Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp và khoa học công nghệ tại huyện Tam Nông và Thanh Bình
Cập nhật ngày: 31/12/2022 14:07:59
ĐTO - Sáng ngày 31/12, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh có chuyến khảo sát mô hình sản xuất nông nghiệp và khoa học công nghệ tại huyện Tam Nông và huyện Thanh Bình.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa thăm mô hình nuôi trai nước ngọt của ông Hà Văn Tâm
Thăm mô hình nuôi trai nước ngọt, ông Hà Văn Tâm - ngụ Ấp 3, xã An Hòa, huyện Tam Nông thông tin với lãnh đạo tỉnh về ý tưởng, quy mô sản xuất. Theo đó, từ năm 2020, ông Tâm có ý tưởng triển khai mô hình nuôi trai nước ngọt, với nguồn con giống được mua tại tỉnh Nam Định. Đến nay, diện tích ao nuôi trai của ông Tâm là 900m2, với số lượng khoảng 400 con, thức ăn chính của loại thủy sản này là tảo. Đồng thời, ông Tâm còn nuôi kết hợp với các loài cá bản địa.
Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao quy mô của mô hình nuôi trai nước ngọt của hộ nuôi Hà Văn Tâm. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, hộ nuôi cần chủ động nghiên cứu nuôi trai của nhiều vùng nước khác nhau, sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ hạt ngọc trai, phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gợi ý cho Tổ hợp tác số 4 một số cách làm để phát triển mô hình
Đến thăm mô hình sản xuất của Tổ hợp tác số 4 (Ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) nằm trong Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (WB9). Tổ hợp tác số 4 hiện có 158 thành viên, với tổng diện tích là 187ha. Thời gian qua, Tổ hợp tác tập trung luân canh rau màu trên đất lúa với các loại cây trồng như: đậu nành rau, ớt, khổ qua… Trong quá trình canh tác nông nghiệp, nông dân áp dụng các biện pháp sản xuất hữu cơ và chủ động trữ cá đồng trên các diện tích canh tác. Mô hình này góp phần mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Để nâng cao sản xuất, đại diện lãnh đạo Tổ hợp tác số 4 đề xuất các ngành, các cấp hỗ trợ đơn vị trong việc xây dựng kho chứa và bảo quản nông sản. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tinh thần sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của Tổ hợp tác số 4, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp cần hỗ trợ đơn vị tìm đầu ra cho nông sản và nguồn phân hữu cơ chất lượng để phục vụ sản xuất…
Lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình canh tác nông nghiệp của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (Ấp 1, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình) với tổng số 300 thành viên. Đây là hợp tác xã đi lên từ mô hình hội quán nông dân. Theo đó, tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã 1.000ha, với các loại nông sản như: chủ yếu canh tác xoài, mít, dừa, lúa, na Thái, sen…. Trong đó, có 25ha sản xuất theo hướng VietGAP; 80ha được cấp mã số vùng trồng. Tổng sản lượng cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa trao quà, động viên, khích lệ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất
Trước những thành quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tư duy của nông dân Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất trong việc thay đổi cơ câu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hợp tác xã cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm nông sản; phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Riêng các ngành, địa phương cần hỗ trợ hợp tác xã tìm kiếm đầu ra, kết nối với nhà phân phối lớn, siêu thị; tập trung phát triển mở rộng mã vùng trồng; nâng cao diện tích trồng hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng; hỗ trợ hợp tác xã đầu tư máy móc chế biến sản phẩm nông sản…
NHẬT NAM