Liên kết phát triển công nghiệp cơ khí

Cập nhật ngày: 18/01/2013 05:30:15

Thời gian qua, các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Tuy nhiên, ngành cơ khí tỉnh nhà vẫn còn chậm phát triển so với các ngành công nghiệp khác.


Công nhân cơ khí làm việc tại cơ sở Út Máy Cày

Đồng Tháp hiện có trên 1.070 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Ngành cơ khí tỉnh nhà hoạt động trên các lĩnh vực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải. Ở nhóm sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện có 5 cơ sở có quy mô tương đối lớn, nổi bật là cơ sở Phan Tấn. Sản phẩm chủ lực ở lĩnh vực này là máy gặt đập liên hợp với năng lực sản xuất của các cơ sở ước tính từ 300-400 máy/năm.

Nhóm sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất công nghiệp hiện có 5 cơ sở có quy mô tương đối lớn. Sản phẩm chủ yếu là dây chuyền thiết bị lau bóng gạo, cân đóng gói, băng tải... Riêng nhóm sản phẩm cơ khí xây dựng hiện khá phổ biến trên địa bàn tỉnh nhưng phần lớn quy mô rất nhỏ, chủ yếu sản xuất, lắp ráp cửa sắt, nhôm, khung nhà tiền chế.

Đối với nhóm sản phẩm cơ khí giao thông vận tải, hiện có hơn 10 cơ sở sửa chữa trung, đại ô tô các loại và một số doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải thủy, sản phẩm chủ yếu là đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy.

Theo Sở Công Thương, ngành cơ khí tỉnh nhà nhìn chung quy mô nhỏ. Lĩnh vực có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Mặt bằng chung về trình độ phát triển ngành cơ khí tỉnh còn thấp. Đến nay, vẫn chưa hình thành những mối liên kết giữa các nhóm ngành công nghiệp trong nội bộ ngành cơ khí, chưa đảm bảo các nguồn lực cho việc vận hành và tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Hiện tại, các doanh nghiệp cơ khí tỉnh chưa đủ năng lực tham gia vào các dự án quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, mặc dù thị trường tiêu thụ rộng lớn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ông Phan Tấn Bện - chủ cơ sở cơ khí Phan Tấn chia sẻ: “Hy vọng rằng các cấp lãnh đạo sẽ quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp cận được những máy móc thiết bị công nghệ cao. Đặc biệt tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất của Nhà nước để các cơ sở có vốn trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nọi điều kiện để các cơ sở phát huy hết năng lực để sản phẩm làm ra chất lượng có tính cạnh tranh...”

Bình quân số lao động ngành cơ khí của tỉnh hiện là 4 người/cơ sở. Điều đó đủ nói lên tính manh mún, nhỏ lẻ của hoạt động cơ khí tại địa phương. Tại hội thảo “Liên kết nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất ngành cơ khí” vừa qua, tiến sĩ Phan Hiếu Hiền - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành cơ khí. Các giải pháp này tập trung vào việc hỗ trợ đào tạo nhân lực và nhân tài cho lĩnh vực cơ khí; hỗ trợ và thúc đẩy hiện đại hóa một số doanh nghiệp nâng cao trình độ chế tạo cơ khí; phát triển hai hoạt động phục vụ nông nghiệp đem lại giá trị gia tăng, để tích lũy đầu tư trở lại cho ngành cơ khí...

Ông Lê Hữu Dư - PGĐ Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp cùng các đơn vị liên quan sẽ thực hiện việc kết nối cho các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí với các trường dạy nghề trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; tạo mối liên kết giữa các đơn vị cơ khí với các chuyên gia về khoa học kỹ thuật công nghệ. Tuy nhiên, để thiết lập hệ thống chuỗi cung ứng lẫn nhau giữa các đơn vị cơ khí, các cơ sở, doanh nghiệp cần chủ động gặp gỡ, bàn bạc tìm hướng đi chung, thống nhất quy cách trong sản xuất các mặt hàng...

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn