Liên kết sản xuất vẫn còn quá ít

Cập nhật ngày: 04/02/2015 13:34:48

Trong buổi làm việc của UBND tỉnh về kế hoạch kinh tế - xã hội tỉnh trong năm 2015, nhiều đại biểu thông tin việc thực hiện cánh đồng liên kết còn ít so với tiềm năng của địa phương.


Diện tích liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp còn ít

Theo UBND tỉnh, sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang phương thức mới, trong đó hợp tác - liên kết - thị trường từng bước trở thành nhu cầu thiết yếu. Các mô hình liên kết và quy mô cánh đồng liên kết đang tiếp tục được nhân rộng. Qua thống kê, diện tích cánh đồng liên kết năm 2014 đạt gần 90.000ha, tăng hơn 60% so với năm 2013, với 18 doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng vật tư đầu vào và thu mua lúa của nông dân. Đến nay, mô hình liên kết được nhân rộng sang lĩnh vực khác (liên kết tiêu thụ heo, nhãn, ớt,...).

Bước đầu mô hình liên kết mang lại những kết quả phấn khởi, người dân không còn phải lo về đầu ra sản phẩm, nhiều DN còn hỗ trợ thêm cho nông dân. Nông dân còn được hướng dẫn khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập. Cùng với những nỗ lực chung, các địa phương cũng bắt tay tìm hướng gắn kết hài hòa bền chặt với DN khi xây dựng vùng nguyên liệu, từng bước củng cố các hợp tác xã (HTX) đủ mạnh làm cầu nối với nông dân. Đơn cử như huyện Tháp Mười, giai đoạn năm 2015-2025, huyện xây dựng 23 cánh đồng liên kết với diện tích 10.500ha, trong đó có 12 HTX và 11 tổ hợp tác (THT) tham gia. Riêng trong năm 2015, huyện thực hiện 14 cánh đồng, diện tích 6.550ha.

Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, diện tích liên kết vẫn còn quá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng của từng địa phương. Theo UBND huyện Tháp Mười, trong năm 2014, diện tích liên kết đạt khoảng 5.000ha, con số này chỉ bằng 5% so với diện tích sản xuất cả năm. Huyện Cao Lãnh cũng cho rằng, liên kết trong tiêu thụ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, thực tế với trên 4.000ha diện tích được liên kết vẫn còn rất ít so với diện tích sản xuất của huyện, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.

Một trong những điểm nghẽn trong liên kết tiêu thụ với DN là địa phương sản xuất đồng loạt nhưng việc thu mua, vận chuyển, sấy chưa đáp ứng nhu cầu của người nông dân. Việc xác định phương thức mua, vận chuyển giữa hai bên chưa gặp nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển mô hình này, cần nhiều thành phần kinh tế tham gia đồng hành với liên kết sản xuất để giải quyết thấu đáo những vấn đề còn vướng mắc. Ngoài ra, giữa DN, HTX và người nông dân cần có nhiều sự ràng buộc hơn để tạo nên mối liên kết bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù tình hình liên kết chưa đạt kết quả thật lớn nhưng bước đầu đã gặt hái những thành công nhất định. Để DN tham gia đồng hành liên kết sâu rộng, địa phương cần chắt chiu từng cơ hội, tin tưởng lẫn nhau. Diện tích liên kết cần tập trung vào những cánh đồng, HTX tiềm năng.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương đã từng bước cởi bỏ “chiếc áo cũ” trong tập quán canh tác của mình thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, cơ giới hóa sản xuất, từng bước liên kết sản xuất, củng cố các HTX đủ mạnh.

Nhiều địa phương nhận định đúng tình hình, tiềm năng vốn có của mình để xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp riêng của địa phương, nhằm tránh tình trạng “mặc đồng phục”. Theo đó, huyện Hồng Ngự khai thác sản phẩm chiến lược là cá tra và rau màu, cây lúa; huyện Thanh Bình chọn “4 cây và 2 con”; huyện Lấp Vò cũng xây dựng 6 ngành hàng thế mạnh...

Theo ông Nguyễn Văn Công, trong điều kiện hiện nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên khi phát triển đề án, các địa phương cần xem xét nguồn vốn, trình độ quản trị từng đơn vị và quan tâm đến cơ chế chính sách...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn