Lời giải cho bài toán cá tra

Cập nhật ngày: 20/04/2017 06:21:57

“Để ngành hàng cá tra có thể phát triển bền vững và đáp ứng được những cơ hội, thách thức hiện nay thì việc xây dựng chuỗi liên kết là giải pháp hoàn toàn đúng đắn, hợp lý và không có con đường nào khác ngoài liên kết chuỗi. Mô hình “Hộ nuôi liên kết” do Tập đoàn Sao Mai khởi xướng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản Việt Nam”- ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam khẳng định.


Tập đoàn Sao Mai tài trợ cho hộ nuôi thỏa tiêu chí “Nuôi đạt năng suất và chất lượng” năm 2017

Thực tế cho thấy, thời gian qua thị trường xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, giá nguyên liệu liên tục biến động, đầu ra còn rất hạn chế thì việc liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và người dân trong chuỗi nâng cao giá trị là giải pháp tối ưu, giúp ngành cá tra vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững. Nếu DN và hộ nuôi cùng giữ chữ tín trong hợp tác làm ăn, nỗ lực duy trì mối liên kết thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. 

Sau 3 năm triển khai mô hình “Hộ nuôi liên kết” thông qua phương thức: Tập đoàn Sao Mai đầu tư thức ăn và bao tiêu sản phẩm của người nuôi cá, cho thấy đây là bước đi hoàn toàn đúng đắn và kịp thời, nhất là trong giai đoạn biến động của giá cả. Nhiều năm qua, khi áp dụng chương trình này tỉ lệ nguyên liệu thu mua bên ngoài giảm dần, cũng đồng nghĩa với việc IDI đã hoàn toàn chủ động trong việc kiểm soát chất lượng cá nguyên liệu và đầu ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo được uy tín với khách hàng và đối tác.

Câu chuyện tưởng như đơn giản ấy, hóa ra lại không đơn giản chút nào khi nhiều người biết rằng, năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, con cá tra tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi giá xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu bị hàng rào kỹ thuật kiềm hãm, thêm vào đó là hoạt động chống bán phá giá của các thị trường nhập khẩu chính. Giá cá tra nguyên liệu theo đó cũng rơi xuống thấp, có thời điểm thấp hơn giá thành đầu tư khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ.

Nhưng điều tuyệt vời sau tất cả, các hộ nuôi liên kết với Sao Mai vẫn đạt lợi nhuận từ 1.000 - 2.000 đồng/kg nhờ mức khoán gia công từ 4.500 - 5.000 đồng/kg. Các hộ nuôi liên kết thu lợi nhuận từ 1- 4 tỷ đồng/hộ, khoản tiền mơ ước của những hộ nuôi không tham gia liên kết. Còn về phía Công ty IDI thì sản lượng cá nguyên liệu năm 2016 là 63.500 tấn, tăng hơn 7% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng cá đầu tư liên kết là 46.500 tấn, góp phần tạo cho DN thế chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu khi đáp ứng trên 74% công suất nhà máy chế biến thủy sản.

“Tôi là người đã từng gắn bó với Sao Mai khoảng 10 năm và cũng nhờ Sao Mai mà hộ nuôi chúng tôi mới có thể tồn tại được đến ngày hôm nay. Bởi tình hình dịch bệnh quá phức tạp, giá thì phải cạnh tranh khốc liệt, phần đông những người nuôi cá tự phát không trụ vững, thua lỗ buộc phải treo ao. Có thể xem mối liên kết này là cứu cánh cho nghề nuôi cá tra hiện nay” - ông Nguyễn Quang Tuyến, hộ nuôi liên kết ở quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) bày tỏ.

Cơ hội hợp tác sẽ càng được mở rộng hơn khi năm 2017 này, Tập đoàn sẽ đưa Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai với công suất 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng đi vào hoạt động, đảm bảo sản phẩm thức ăn thủy sản Sao Mai hội đủ các tiêu chí “Chất lượng vượt trội - giá cả phù hợp”. Dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai là một bước tiến dài trong lộ trình khép kín chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra, nâng cao giá trị hướng đến phát triển toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho IDI trong thời kỳ hội nhập.

Sau khi thành lập, Công ty IDI đã sớm nổi lên như một hiện tượng, liên tục được xếp hạng trong Top 10 Công ty xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam. Giờ đây, sau 10 năm thành lập, IDI đã bứt phá vượt Top vươn lên vị trí thứ 3 trong các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn nhất toàn quốc khi liên tục đem về lợi nhuận cao cho ngành hàng cá tra, giúp nhiều hộ nuôi ăn nên làm ra từ con cá triệu đô. Kết quả đó cho thấy, IDI là DN thừa khả năng để tiến xa hơn nữa cùng ngư dân đồng bằng sông Cửu Long đưa hương vị của dòng Mekong đến toàn thế giới.

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn