Máy cuộn rơm - triển vọng mới cho ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 24/07/2015 12:25:59
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng nguồn rơm để phục vụ việc chăn nuôi và trồng nấm, mới đây, Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn đã nghiên cứu và cải tiến thành công máy cuộn rơm. Với thiết kế và tính năng tiện dụng, chiếc máy này thích hợp vận hành trên nhiều loại địa hình, được thị trường quan tâm và đánh giá cao.
Máy cuộn rơm mang lại nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp
Máy cuộn rơm của Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn được thiết kế dựa trên nền tảng của máy gặt đập liên hợp. Điểm mới của chiếc máy này là không hoạt động theo cơ chế rơ - mooc phía sau như các dòng máy hiện nay trên thị trường mà hoạt động theo cơ chế tự hành tự đổ. Bộ phận cuộn rơm nằm phía trước giúp tài xế dễ dàng thao tác, rơm trên ruộng được lấy sạch hơn. Khi hoạt động, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuộn vào và nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Khi kích thước cuộn rơm đạt tiêu chuẩn sẽ có hệ thống báo hiệu tự động. Khi cuộn rơm được buộc chặt sẽ tự động thả vào thùng chứa phía sau xe. Ưu điểm của thùng chứa phía sau là giúp cho các cuộn rơm được giữ sạch sẽ, dễ bảo quản, đây là điểm nổi bật của chiếc máy này so với các dòng máy hiện nay có mặt trên thị trường. Ngoài ra, điểm đặc biệt là toàn bộ hệ thống máy được vận hành trên bánh xích cao su, với thiết kế này cho phép máy có thể vận hành trên mọi địa hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trung bình công suất máy đạt từ 80 - 100 cuộn/giờ, kích thước cuộn rơm có thể điều chỉnh tùy theo yêu cầu.
Tham quan thực tế tại buổi trình diễn máy cuộn rơm tự hành do Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn tổ chức tại ấp Long Tân, xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vừa qua, phần lớn nông dân đều đánh giá cao hiệu quả của chiếc máy cuộn rơm mang lại. Anh Nguyễn Văn Út ở ấp Long Tân, xã Long An, huyện Long Hồ cho biết: “Hiện nay, việc thu gom rơm để trồng nấm gặp khó khăn và tốn kém khá nhiều chi phí, vì vậy chi phí giá thành đối với trồng nấm rơm cũng tăng khá cao. Với chiếc máy cuộn rơm của Công ty Phan Tấn thì việc gom rơm dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ với 2 người vận hành, trong 10 phút chiếc máy cuộn rơm có thể thu hoạch xong 1 công rơm. So với thu hoạch thủ công thì máy cuộn rơm cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần”.
Anh Phan Chí Hùng - một nông dân tham quan buổi trình diễn, ngụ xã Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện nay cũng có nhiều dòng máy cuộn rơm có tính năng tương tự trên thị trường. Tuy nhiên, phần lớn các loại máy trên thị trường hiện nay vận hành trên hệ thống bánh hơi. Do đó, đối với những ruộng đất ướt, các loại máy này vận hành rất khó và khi máy chạy sẽ làm hư đất mặt ruộng. Với giá thành 286 triệu đồng/máy, tôi nghĩ mức giá này không cao so với các loại máy ngoại nhập. Với những tính năng nổi trội của máy, thì với giá này nông dân chúng tôi có thể chấp nhận được”.
Chia sẻ về chiếc máy cuộn rơm mới “ra lò” hơn 1 tháng, ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn nói: “Từ cơ sở thực tế đồng ruộng ở ĐBSCL, chúng tôi nghiên cứu tìm cách tạo ra một sản phẩm phù hợp với thực tế sản xuất, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân. Công ty vừa xuất bán 1 chiếc máy cho khách hàng ở tỉnh Sóc Trăng, hiện có rất nhiều khách đặt hàng mua máy”.
Chia sẻ với chúng tôi về chiếc máy triển vọng này, ông Lê Hữu Dư, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp mong muốn cải thiện và nâng cao giá trị kinh tế cho người nông dân từ sản xuất nông nghiệp thì việc tận thu các phế phẩm trong nông nghiệp để phục vụ cho những ngành sản xuất khác cũng là cách giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đồng hành với chủ trương đó, những năm qua Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Phan Tấn nghiên cứu và cho ra đời nhiều dòng máy phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch bắp... và mới đây là máy cuộn rơm. So với những dòng máy cùng tính năng hiện nay trên thị trường, máy cuộn rơm của Công ty Phan Tấn có nhiều tính năng nổi trội, phù hợp với tình hình thực tế sản xuất ở đồng ruộng vùng ĐBSCL và giá cả cũng cạnh tranh hơn so với các loại máy ngoại nhập”.
Mỹ Lý