Tam Nông đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Cập nhật ngày: 22/07/2015 10:12:37
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Tam Nông đã triển khai nâng cấp nhiều hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất. Đồng thời, định hướng cho các Hợp tác xã (HTX) tổ chức lại sản xuất trong hệ thống ô bao, hình thành nhiều cánh đồng lớn để người dân quen dần với phương pháp sản xuất tập thể, tạo vùng nguyên liệu lớn, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư, tiêu thụ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đánh giá cao cách làm sáng tạo của huyện Tam Nông
Cụ thể, đối với ngành hàng lúa gạo, năm 2014 huyện Tam Nông triển khai xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết, mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với diện tích 15.699/69.933ha, chiếm 22,4% tổng diện tích sản xuất lúa cả năm. Năm 2015, tiếp tục nhân rộng với diện tích 32.176ha, chiếm 44,8% diện tích sản xuất toàn huyện. Trong đó, đối với mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ, các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với diện tích 5.875ha/40.267 tấn tại 24 HTX và 4 tổ hợp tác (tổng diện tích sản xuất là 35.167ha).
Huyện cũng triển khai thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo với diện tích 13.000ha ở 12 HTX nông nghiệp của 6 xã, thị trấn, được Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn đầu tư vật tư đầu vào với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Công ty TNHH TMXNK Lộc Anh liên kết thu mua được 1.608ha với 11.888 tấn, thu mua theo giá thị trường và hỗ trợ thêm 150 đồng/kg. Giá thành sản xuất bình quân 2.290 đồng/kg (giảm 441,4 đồng/kg), lợi nhuận bình quân 24 triệu đồng/ha/vụ (tăng 6,2 triệu đồng so với sản xuất truyền thống).
Tận dụng mặt nước để phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh. Ảnh: M.Nhân
Ngoài ngành hàng lúa gạo, huyện Tam Nông đã tận dụng lợi thế mùa nước nổi để phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh, đây là hướng đi mới và mang tính đột phá, đặc thù của huyện. Năm 2014, toàn huyện thả nuôi với diện tích khoảng 700ha, từ đầu năm 2015 đến nay đã thả nuôi 220ha. Hiện trên địa bàn huyện có doanh nghiệp đầu tư trại sản xuất giống tôm đạt chất lượng trong vùng dự án để cung cấp cho các hộ nuôi. Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên nền đất sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình VietGAP, với diện tích 20,7ha ở xã Phú Thành B.
Ngoài ra để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất 1 lúa – 1 màu ở 4 xã ven sông Tiền, sau 2 năm triển khai đã có 1.046ha tham gia thực hiện mô hình, lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa hè thu khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ.
Hình thành nhiều cánh đồng lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu lớn, thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư, tiêu thụ
Xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện luôn quan tâm củng cố phát triển và chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012. Đến nay, các HTX được củng cố và chuyển đổi đã ổn định về tổ chức, khắc phục thiếu sót trong quản lý tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động điều hành sản xuất và liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và gia tăng lợi nhuận cho xã viên.
Đáng chú ý là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường đang triển khai thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ và thực hiện thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo, được Chính phủ thống nhất chủ trương cho HTX tạm trữ 2.000 tấn gạo. Theo đó, HTX đã triển khai thu mua đạt chỉ tiêu đề ra, đồng thời HTX đã xuất bán được 1.300 tấn lúa. Huyện cũng tổ chức vận động nông dân triển khai thực hiện mô hình tăng quy mô sản xuất nông nghiệp và san bằng mặt ruộng với chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay, bước đầu có 28 hộ tham gia với tổng diện tích trên 126ha ở các HTX: Tân Cường, Tân Tiến và Phú Bình. Đồng thời, theo dõi hỗ trợ mô hình tích tụ ruộng đất của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Cường với diện tích trên 100ha.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp ở một số xã còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, diện tích sử dụng giống chất lượng cao chưa đạt yêu cầu; việc triển khai thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các công ty, doanh nghiệp chưa chủ động ký hợp đồng liên kết ngay từ đầu vụ. Mặt khác, các doanh nghiệp và HTX thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng, từ đó thanh toán tiền thu mua lúa cho nông dân rất chậm, làm giảm niềm tin của nông dân với công ty, gây khó khăn trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, lãnh đạo huyện Tam Nông kiến nghị Trung ương hỗ trợ việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: đầu tư kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản để các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng như giải quyết việc làm cho lao động di chuyển từ nông nghiệp sang. Đồng thời, sớm ban hành chính sách ưu đãi về tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp và người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và HTX dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Các kiến nghị của huyện đã được Bộ trưởng ghi nhận và sẽ có ý kiến với Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương.
MN