Huyện Thanh Bình
Nâng cao vai trò kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp bền vững
Cập nhật ngày: 15/06/2023 16:21:17
ĐTO - Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Thanh Bình triển khai nhiều nguồn lực phát triển các hợp tác xã (HTX), hội quán gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) trong chuyến thăm các hợp tác xã trên địa bàn huyện Thanh Bình
Hiệu quả từ các mô hình kinh tế tập thể
Theo UBND huyện Thanh Bình, toàn huyện hiện có 19 HTX nông nghiệp đang hoạt động với tổng số hơn 6.800 thành viên; 14 hội quán đang hoạt động với tổng số 537 thành viên. Đến nay, huyện Thanh Bình có tổng số 180 mã vùng trồng/77 vùng trồng, với diện tích hơn 5.000ha, trong đó có 7 HTX, 9 hội quán đăng ký mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.500ha và có 271ha được cấp chứng nhận VietGAP...
Hướng đến sự phát triển bền vững, thời gian qua, Ban Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình định hướng cho thành viên thực hiện canh tác lúa khoảng 600ha, trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP trên diện tích 220ha với giống lúa OM18 và nếp Long An. Mô hình này giúp nông dân tăng năng suất trên cùng diện tích; cải thiện chất lượng nước, giảm khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động... Chính nhờ hoạt động và liên kết sản xuất có hiệu quả nên số lượng thành viên và diện tích sản xuất lúa của HTX ngày càng tăng.
Ngoài canh tác lúa, hiện tại, HTX còn thực hiện các loại hình dịch vụ như: bơm tưới; làm đất; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hoạt động tín dụng nội bộ; cắt gặt liên hợp; nước sinh hoạt nông thôn; cung ứng giống cây trồng; phơi sấy và tồn trữ.
Ông Tạ Văn Bông - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình cho biết: “Khi mới thành lập, HTX chỉ có vài thành viên, với diện tích sản xuất lúa hơn 20ha. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, bà con thấy được lợi ích thiết thực mô hình kinh tế tập thể nên số lượng thành viên tham gia vào HTX tăng lên, đến nay có trên 1.000 người. Cùng với đó, từ khi thành lập đến nay, HTX nhận được sự quan tâm hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa hiệu quả từ ngành chức năng của tỉnh, huyện, nhất là mô hình sản xuất lúa bền vững như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Nhờ đó, mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 11.000 tấn lúa với đầu ra ổn định cho thành viên. Điều này góp phần nâng cao thu nhập, giúp thành viên vươn lên khá giả”.
Thời gian qua, Nông Tân Hội quán, xã Tân Long duy trì tốt việc tập hợp thành viên cùng nhau hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Thanh Vân - Chủ nhiệm Nông Tân Hội quán cho biết: “Hội quán tập trung sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực như: xoài cát hòa lộc, tượng da xanh, mít... theo hướng an toàn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Để nâng cao kỹ thuật canh tác, hội quán cũng được các ngành, các cấp hỗ trợ mời chuyên gia ngành nông nghiệp để bồi dưỡng kiến thức canh tác nông nghiệp tiên tiến cho nông dân. Từ đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên”.
Ông Mai Văn Đối - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình đánh giá: “Nhờ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện có bước phát triển khởi sắc. Qua đó giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập và đảm bảo ổn định đời sống cho thành viên và người lao động. Đồng thời vận động Nhân dân tham gia cùng địa phương xây dựng các công trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình chính trị ở địa phương...”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Thanh Bình thực hiện tốt việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, bộ mặt kinh tế ở nông thôn thay đổi rõ rệt, tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ thành viên không ngừng phát triển.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình sản xuất phân hữu cơ để phục vụ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP
Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể
Theo UBND huyện Thanh Bình, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật HTX và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể góp phần nâng cao nhận thức vị trí, vai trò của phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cơ sở về phát triển kinh tế tập thể; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX...
Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy gọn, linh hoạt và năng động; mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực như: vận tải ở nông thôn, quản lý chợ, vệ sinh môi trường nông thôn, thủy lợi, kênh mương nội đồng...
Ông Mai Văn Đối - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo trong công tác đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, hội quán; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, xã trong phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới...
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Thời gian tới, các sở, ngành tỉnh và UBND huyện Thanh Bình phải thường xuyên tiếp cận để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất; đồng thời hướng dẫn cụ thể, định hướng phát triển cho HTX, hội quán. Chủ động kết nối hỗ trợ các HTX, hội quán trong việc tiếp cận thông tin chính sách nhằm góp phần phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ tốt nhu cầu thị trường...”.
KHÁNH PHAN