Nâng cấp đê bao bảo vệ lúa, vườn cây ăn trái
Cập nhật ngày: 24/08/2012 07:26:47
Nâng cấp đê bao bảo vệ sản xuất vụ lúa thu đông và vườn cây ăn trái là chủ trương đúng đắn nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế mùa lũ để sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Nước lũ đang về, việc thi công các công trình chống lũ bảo vệ lúa, vườn cây ăn trái cũng đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong tháng 8 này.
Căn cứ chương trình trọng điểm của tỉnh về việc Quy hoạch, đầu tư hệ thống đê bao gắn với giao thông nông thôn bảo đảm sản xuất an toàn vụ lúa thu đông cho 5 huyện phía Bắc, đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái huyện Cao Lãnh và các huyện phía Nam, ngay sau khi lũ năm 2011 rút, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố rà soát các ô bao. Theo đó, bảo vệ lúa thu đông ở các huyện phía Bắc cần nâng cấp là 64 ô bao, chiều dài 439,6km (bảo vệ trên 34.000ha), kết hợp trồng cây chắn sóng, chắn gió bảo vệ bờ bao với kinh phí ước tính 86,2 tỷ đồng; các huyện, thị còn lại cần tu sửa 617 ô bao, khối lượng 3,86 triệu m3 (bảo vệ 76.000ha), kinh phí ước 168,7 tỷ đồng. Đối với bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái, có nhu cầu nâng cấp 27 ô bao, bảo vệ 3.940ha, kinh phí ước tính 36,1 tỷ đồng. Các huyện, thị phía Nam với các ô bao bảo vệ vườn quy mô nhỏ lẻ, các hộ gia đình tự liên kết tu sửa nâng cấp; các ô bao lúa-vườn, địa phương thực hiện đầu tư nâng cấp lồng ghép với đê bao bảo vệ lúa thu đông.
Nhiều diện tích quýt ở Lai Vung nằm trong đê bao
Trên cơ sở chỉ bố trí sản xuất vụ lúa thu đông ở các khu vực có đê bao bảo vệ chắc chắn, kế hoạch năm 2012 toàn tỉnh xuống giống 87.731ha, giảm so với kế hoạch đầu năm là 22.879 ha và giảm so với năm 2011 là 11.127ha. Trong đó, huyện Tân Hồng không sản xuất lúa thu đông (năm 2011 là 9.640ha), huyện Tháp Mười giảm gần 5.000ha, huyện Cao Lãnh giảm hơn 4.500ha, Tam Nông tăng 5.357ha và Thanh Bình tăng 2.649ha. Ông Lê Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Những nơi xuống giống lúa thu đông phải có đê bao vững chắc, vượt đỉnh lũ năm 2000 là 50 cm và phải được dân thống nhất cao. Tuy nhiên, hiện nay có một số khu vực chính quyền không có chủ trương xuống giống lúa vụ thu đông để đón phù sa và xuống giống sớm vụ đông xuân, nhưng người dân vẫn tự ý xuống giống.
Các ô bao sản xuất lúa thu đông đến ngày 15/8, thi công đạt 43% kinh phí kế hoạch và sẽ cơ bản thi công hoàn thành trong tháng 8 để chống lũ bảo vệ sản xuất, còn lại các hạng mục khác thi công chuyển tiếp và thanh toán kinh phí cho đơn vị thi công trong kế hoạch 2013. Huyện trọng điểm Tam Nông và Thanh Bình mở rộng tăng thêm diện tích lúa thu đông đã cơ bản hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp các đê bao.
Tổng nhu cầu kinh phí là 398,619 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục lũ lụt 2011 là 60 tỷ đồng, vốn miễn thu thủy lợi phí 2012 là 142,26 tỷ đồng; nguồn vốn vay kiên cố hóa kênh mương 2012, đã phân 75 tỷ đồng cho 5 huyện, thị phía Bắc. Ngoài ra, tỉnh cũng cho 3 huyện, thị khó khăn có nhu cầu đầu tư lớn (huyện Hồng Ngự, Tam Nông và TX.Hồng Ngự) tạm ứng ngân sách tỉnh 30 tỷ đồng để thực hiện; các địa phương huy động vốn dân và vận động các nhà thầu thi công thanh toán sang năm 2013.
TN