Hiệu quả mô hình canh tác mè trên nền đất lúa
Cập nhật ngày: 20/08/2012 07:44:47
Trước đây ở ấp 2 và ấp 3, xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) chỉ sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả thấp do thường gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết, sâu bệnh gây hại nhất là bệnh vàng lùn lùn xoắn lá. Chính vì vậy, chủ trương của địa phương là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 1 vụ lúa trong năm, nhằm tăng nguồn thu nhập cho người dân.
Luân canh lúa - mè cho thu nhập cao
Thực hiện kế hoạch Khuyến nông 2012, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với xã Bình Hàng Trung triển khai mô hình canh tác mè trên nền đất lúa vụ xuân hè 2012 với qui mô 40ha/50 hộ, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình này gần 50 triệu đồng.
Trong quá trình canh tác, nông dân đã tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về khâu chuẩn bị đất và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng giống tốt (mè đen), mật độ sạ 4kg/ha theo khuyến cáo, xuống giống tập trung, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và thu hoạch đúng độ chín nên mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân 1,4 tấn/ha, giá bán 32.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 45 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 29 triệu đồng/ha. So với trồng lúa vụ này thì trồng mè hiệu quả cao hơn gấp 2 lần. Điều quan trọng là mô hình này vừa giảm chi phí sản xuất (ít tốn nước tưới, ít sâu bệnh), vốn đầu tư thấp và cây mè chịu được nhiệt độ cao.
Theo anh Huỳnh Thanh Sơn (Phó Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh): Hoa màu cũng là thế mạnh của vùng, trong đó mô hình canh tác mè trên nền đất lúa là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện toàn huyện có 526ha diện tích luân canh cây mè. Với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng nguồn thu nhập cho nông dân trong sản xuất, định hướng phát triển của ngành đến năm 2015 nâng diện tích trồng mè hơn 2.000ha và đến năm 2020 mở rộng diện tích sản xuất hoa màu toàn huyện trên 7.000ha...
Mai Thảo