Huyện Lấp Vò
Nâng tầm sản phẩm OCOP thông qua kênh thương mại điện tử
Cập nhật ngày: 30/06/2024 14:19:01
ĐTO - Hướng đến phát triển thị trường, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò tập trung hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Lãnh đạo huyện Lấp Vò luôn quan tâm hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP
Phát huy giá trị sản phẩm OCOP
Trên tinh thần đó, thời gian qua, huyện Lấp Vò tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã phát triển sản xuất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, tham gia phân hạng OCOP, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh và cấp khu vực. Đến nay, toàn huyện có 41 sản phẩm OCOP (gồm 4 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao). Đồng thời, huyện có 47 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (2 sản phẩm đạt cấp khu vực; 20 sản phẩm cấp tỉnh và 25 sản phẩm cấp huyện). Bên cạnh đó, huyện Lấp Vò tập trung phát triển thương mại điện tử với nhiều giải pháp, hình thức nhằm tiếp cận thị trường.
Thời gian qua, UBND huyện Lấp Vò phối hợp cùng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và Đào tạo Mekong cùng với sự đồng hành của Ba Thức Group tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, khởi nghiệp nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo động lực và không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, tập huấn các kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh những kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử...
Bà Đoàn Thị Kiều Oanh - chủ cơ sở nấm đông trùng hạ thảo Biodota (xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò), cho biết: “Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, đơn vị còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đông trùng hạ thảo qua các kênh bán hàng trực tuyến. Nhờ đó, sản phẩm của công ty mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh Khang Thịnh (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử (Ảnh: Mỹ Lý)
Nâng chất sản phẩm OCOP
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, thời gian qua, huyện tập trung tuyên truyền về Chương trình OCOP; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP; củng cố, nâng cấp và thành lập mới hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đồng thời tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo động lực và không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn. Bên cạnh phát triển thị trường truyền thống, huyện còn tập huấn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo UBND huyện Lấp Vò, thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn tỉnh, tổ chức đoàn thể huyện tuyên truyền Chương trình OCOP đến với đoàn viên, hội viên và người dân. Đồng thời tuyên truyền lồng ghép Chương trình OCOP vào các buổi tọa đàm, tập huấn chuyên môn của ngành để nông dân nắm bắt, chủ động tham gia chương trình; khảo sát các cơ sở có sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP; củng cố các tổ chức tham gia Chương trình OCOP. Phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ tất cả các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, công bố chất lượng sản phẩm...
Để hỗ trợ giới thiệu quảng bá sản phẩm, các chủ thể thuộc chương trình OCOP trên địa bàn huyện Lấp Vò thường xuyên được tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại
Bà Trương Thị Hồng Phượng - chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh Khang Thịnh (xã Định Yên, huyện Lấp Vò), cho biết: “Khi sản phẩm lên sàn thương mại điện tử chịu rất nhiều áp lực từ các yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, thời gian qua, ngoài nâng cao chất lượng, đơn vị còn tập trung hoàn thiện mẫu mã sản phẩm bắt mắt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện đại”.
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết thêm: “Để tiếp tục phát triển, nâng tầm thương hiệu, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP, năm 2024, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Chương trình OCOP, các ngành liên quan, địa phương còn tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các cấp và chủ thể sản xuất tham gia chương trình. Bên cạnh đó, phấn đấu đưa nhiều sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên tham gia sàn thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trực tiếp, trực tuyến về kết nối cung cầu, phát triển thị trường, chuyển đổi số, bán hàng online; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...”.
Nhật Nam