Những doanh nghiệp nào cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

Cập nhật ngày: 30/06/2024 05:32:35

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240630053358dt2-4.mp3

 

ĐTO- Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, Việt Nam là một trong các quốc gia tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để chuẩn bị cho việc cắt giảm phát thải theo thỏa thuận, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý khá toàn diện, như: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/QĐ-TTg về các danh mục, lĩnh vực, các cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính...


Doanh nghiệp Đồng Tháp chuẩn bị cho hoạt động thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Ảnh minh họa)

Để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra theo lộ trình, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng là rất cần thiết và quan trọng. Đặc biệt là sự chấp hành nghiêm của các doanh nghiệp nằm trong danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Căn cứ theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Công văn số 335/UBND-KT ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hiện Đồng Tháp có 37 cơ sở nằm trong nhóm cần thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính. Việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng mà cần phải thực hiện.

Trên tinh thần đó, ngành công thương thực hiện kiểm kê khí nhà kính đúng lộ trình theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT của Bộ Công thương Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành công thương, có hiệu lực từ ngày 11/2/2024.


Sử dụng các nguồn năng lượng xanh, sạch góp phần giảm nhẹ khí thải nhà kính trong sản xuất ở doanh nghiệp Đồng Tháp (Ảnh minh họa)

Theo Thông tư số 38/2023/TT-BCT có hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực và kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc ngành công thương. Đối với kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, doanh nghiệp cần chú ý quan tâm: quy trình kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính, phạm vi kiểm kê khí nhà kính, thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính, lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính, phương pháp kiểm kê khí nhà kính... khi tiến hành thực hiện.

Theo quy định, các cơ sở nằm trong nhóm cơ sở cần thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31/3/2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025. Các cơ sở có tên trong danh mục phải chủ động rà soát, cung cấp các thông tin về tổng lượng tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, cập nhật danh mục. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn