Ngành công thương đồng hành, phát huy hiệu quả hoạt động của Hội quán

Cập nhật ngày: 07/12/2023 05:32:10

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231207053305Dt2-5.mp3

 

ĐTO - Chung tay đồng hành cùng phát huy hiệu quả hoạt động của Hội quán, thời gian qua, Sở Công Thương thực hiện nhiều hình thức thiết thực góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các hội viên như: triển khai hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm...


Sở Công Thương hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất

Từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã hướng dẫn, hỗ trợ 152 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ gần 30 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) là thành viên của Hội quán gần 8,5 tỷ đồng (chiếm khoảng 28% kinh phí). Hoạt động này đã khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang máy móc hiện đại, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh, góp phần giải quyết khâu tiêu thụ nông sản tại địa phương.

Trung bình mỗi năm, Sở Công Thương hỗ trợ cho các đối tượng là doanh nghiệp, cơ sở, HTX, THT tham gia từ 6 đến 8 hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức các Đoàn khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác kết nối tiêu thụ hàng hóa; làm cầu nối gặp gỡ giữa các nhà phân phối với các cơ sở sản xuất, HTX, THT của tỉnh; tổ chức hội nghị tập huấn, tọa đàm cho các doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất kết nối với các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh...

Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm cũng được chú trọng quan tâm, thông qua các hình thức hỗ trợ như: tư vấn phát triển nhãn hiệu bao bì sản phẩm; xây dựng điểm bán hàng và điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm ở các thị trường trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng các tài liệu, ấn phẩm, clip tuyên truyền giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường cung cấp thông tin thị trường nông sản đến với các thành viên Hội quán thông qua việc phát hành Bản tin thị trường nông sản định kỳ hàng tháng. Kết quả từ năm 2016 đến nay, đã hỗ trợ gần 50 đơn vị thực hiện quảng bá nhãn hiệu thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ xây dựng 12 điểm giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm và kho trung chuyển hàng hóa ở trong, ngoài tỉnh...

Song song đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị, các ngành, địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho thành viên Hội quán như: tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho DN, HTX, THT, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất; tập huấn phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) như: đào tạo nguồn nhân lực TMĐT, hỗ trợ tham gia sàn TMĐT, tập huấn kỹ năng bán hàng trên nền tảng số...

Hiện các sản phẩm nông nghiệp của địa phương không chỉ được tiêu thụ tại các kênh phân phối truyền thống, các kênh phân phối lớn mà còn tham gia vào các kênh phân phối trực tuyến, các sàn TMĐT uy tín. Đến nay, có hơn 150 sản phẩm của Đồng Tháp đã có mặt tại các siêu thị như: Co.opmart, Big C, Satra, Lotte, Aeon, Vinmart... có hơn 400 sản phẩm nông sản, đặc sản của gần 90 DN, HTX, cơ sở sản xuất tham gia trên các sàn TMĐT uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo, Tiki... hơn 140 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 18 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 6 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp Quốc gia... Đây cũng là động lực để các thành viên Hội quán tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, vấn đề đặt ra cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương là ngoài việc sản xuất phải ổn định về số lượng, còn phải đảm bảo về chất lượng, yêu cầu cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm... Do đó, vai trò của Hội quán không chỉ dừng lại ở việc tập hợp, liên kết nông dân cùng sản xuất, cùng phát triển mà còn đòi hỏi phải liên kết bền chặt hơn, sản xuất tốt hơn, phát triển bền vững hơn.

Để tiếp tục khuyến khích, đồng hành phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình Hội quán, hỗ trợ nguồn lực để thành viên Hội quán nâng cao năng lực sản xuất, phát triển và tiêu thụ sản phẩm, ngành công thương tiếp tục phát huy vai trò làm cầu nối, hỗ trợ các thành viên của Hội quán tiếp cận các chính sách phát triển của địa phương. Cụ thể, tiếp tục vận dụng các chính sách hỗ trợ khuyến công nhằm khuyến khích DN, HTX, cơ sở sản xuất đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng cao vai trò cầu nối trong việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo nhu cầu kết nối sản phẩm của địa phương; đẩy mạnh phát triển TMĐT, hướng đến phát triển kinh tế số phù hợp xu thế vận hành của thị trường dịch vụ...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn