Nỗ lực phục hồi và phát triển ngành công nghiệp

Cập nhật ngày: 05/12/2023 16:00:01

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231205041204noluc.mp3

 

ĐTO - Nhờ đẩy mạnh thực hiên các giải pháp đồng bộ, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số... nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh năm 2023 tiếp tục phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong hoạt động sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu nên sản xuất công nghiệp và xuất khẩu có những tín hiệu tăng trưởng tích cực hơn trong những tháng cuối năm (quý sau tăng cao hơn quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước), đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 11.354 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2022 và đạt 96,98% kế hoạch.


Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia - IDI 
(Cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) tăng tốc sản xuất trong những tháng cuối năm

Toàn ngành công nghiệp năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm; áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; chi phí sản xuất trong nước tăng cao (giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao) đã ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi và phát triển sản xuất của các DN. Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của các cấp, các ngành và của UBND tỉnh, đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 70.271 tỷ đồng, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng so với cùng kỳ; một số sản phẩm tuy có mức tăng trưởng khởi sắc hơn so với những tháng đầu năm 2023, nhưng do còn khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nên sản lượng còn đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và chưa đạt được kế hoạch đề ra (cát khai thác, các sản phẩm chế biến sau gạo, thuốc viên các loại, bia).

Ngành chế biến thủy sản nói chung, chế biến cá tra nói riêng phải đối mặt với những thách thức từ cuối năm 2022 do lạm phát tại nhiều nước tăng cao, nhu cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm, chi phí sản xuất tăng mạnh từ khâu nuôi trồng đến xuất khẩu trong khi đó giá bán và đơn hàng giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn tái đầu tư. Trong các tháng cuối năm, ngành chế biến cá tra xuất khẩu có những tín hiệu khởi sắc hơn, các thị trường xuất khẩu chính như: Trung Quốc, EU, Mỹ... có sự tăng trưởng trở lại để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. Cùng với đó là các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và tỉnh về tăng cường các chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết khó khăn về vốn trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 DN chế biến cá tra đông lạnh xuất khẩu, sản lượng thủy sản chế biến năm 2023 ước đạt 463.620 tấn, tăng 5,1% so với năm 2022 và đạt 96,58% kế hoạch.

Việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đưa vào các giống lúa đạt chuẩn chế biến xuất khẩu nên hoạt động xuất khẩu gạo của tỉnh đang có nhiều thuận lợi, các DN xuất khẩu gạo tăng cường thu mua, chế biến gạo để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 175 DN hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo; sản lượng xay xát, lau bóng gạo năm 2023 ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022 và đạt 127,58% kế hoạch.

Tương tự như ngành chế biến cá tra xuất khẩu, ngành chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu thế giới tăng cao và phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thủy sản chế biến đang có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, người chăn nuôi phấn khởi và mạnh dạn tái đầu tư vụ nuôi mới, nên ngành chế biến thức ăn chăn nuôi của tỉnh những tháng cuối năm tăng trưởng tích cực hơn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 DN chế biến thức ăn; sản lượng chế biến năm 2023 ước đạt 1.617.300 tấn, tăng 1,2% so với năm 2022 và đạt 92,4% kế hoạch.

Việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát tăng cao của người tiêu dùng thế giới đã ảnh hưởng lớn đến ngành may mặc xuất khẩu trong nước. Các DN may mặc xuất khẩu trên địa bàn đã triển khai nhiều phương án sản xuất: sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết; sản xuất gia công cho đơn vị ở TP Hồ Chí Minh hoặc gia công xuất khẩu cho đơn vị nước ngoài... Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 DN, sản lượng sản xuất năm 2023 ước đạt 9,667 triệu sản phẩm, tăng 3,65% so với năm 2022, đạt 93,85% kế hoạch.

Đối với sản phẩm da giầy, việc thiếu hụt đơn hàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với sự hồi phục và mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 của nền kinh tế Trung Quốc, ngành da giầy dần khả quan hơn khi thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc mở cửa trở lại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 DN sản xuất; sản lượng da giầy năm 2023 ước đạt 4,352 triệu đôi, tăng 6,96% so với năm 2022 và đạt 96,71% kế hoạch.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn