Ngành công thương nâng tỷ trọng các ngành chế biến công nghiệp

Cập nhật ngày: 24/10/2023 05:19:08

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231024051956DT2-2.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, ngành công thương Đồng Tháp đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Ngành công thương triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thiết bị, máy móc để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Sở Công Thương Đồng Tháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND-HC phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nâng cao năng suất lao động của ngành công nghiệp; ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao, cung ứng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp, góp phần nâng tỷ trọng các ngành chế biến công nghiệp. Từ đó, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 ước đạt gần 66.200 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), năm 2023 ước đạt hơn 72.400 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp (GRDP) năm 2023 ước đạt 11.707 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt khoảng 7%/năm; nhập khẩu biên mậu năm 2023 ước đạt khoảng 110 triệu USD...

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu hàng hóa, phát triển công nghiệp khu vực biên giới. Trong đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 25/2/2022 thực hiện Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 21/2/2022 thực hiện Nghị quyết số 05- NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội TP Hồng Ngự đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời triển khai cụ thể hóa chủ trương của Trung ương về phát triển kinh tế biên giới theo tinh thần Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội vùng kinh tế đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân. Trong đó, dự kiến đến cuối năm 2023, thành lập lại Cụm Công nghiệp An Hòa, TP Hồng Ngự ở vị trí mới, cùng với việc hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch chi tiết, đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng theo quy định; hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các cửa khẩu phụ phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại biên giới...

Thời gian qua, ngành công thương Đồng Tháp khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Đến nay, khu vực biên giới có 1 siêu thị, 31 chợ, 6 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động... Qua đó, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu hàng hóa, công nghiệp khu vực biên giới...

TRANG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn