Ngành công thương nỗ lực vượt khó, tăng trưởng ấn tượng
Cập nhật ngày: 12/04/2022 05:58:08
ĐTO - Nhờ thực hiện nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt trong tình hình mới nên hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà có sự tăng trưởng ấn trượng trong 3 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý I/2022 ước đạt 17.449 tỷ đồng, tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy nền kinh tế tỉnh nhà đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đang có những biến động phức tạp sẽ là những khó khăn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của toàn ngành trong những tháng cuối năm.
Ngành sản xuất và chế biến các sản phẩm sau gạo đạt mức tăng trưởng mạnh trong quý I/2022
Tăng trưởng ấn tượng
So với năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và cả nước cơ bản được kiểm soát ổn định. Chuỗi cung ứng hàng hóa được nối lại, hoạt động sản xuất nông nghiệp được khôi phục góp phần quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến tỉnh nhà tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Đặc biệt, một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng đó là sự nỗ lực thích ứng của cộng đồng DN, sự đồng hành xuyên suốt của chính quyền tỉnh nhà với DN và người dân trong phát triển sản xuất - kinh doanh. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp cho các DN duy trì hoạt động sản xuất và sớm nắm bắt cơ hội trong tình hình mới.
Theo Sở Công Thương, trong 3 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá cao như: thuốc lá có đầu lọc tăng 54,07%; miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 45,68%; cát khai thác tăng 22,22%; cá philê đông lạnh tăng 12,21%; gạo xay xát tăng 10,2%; bia tăng 16,83%; thuốc chứa penicillin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 8,76%; các bộ phận của giày dép bằng da tăng 5,97%...
Sản phẩm công nghiệp thế mạnh của Đồng Tháp đạt mức tăng trưởng ấn trượng phải kể đến nhóm DN sản xuất các sản phẩm sau gạo (hủ tiếu, bánh tráng, bún, phở...). So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng của nhóm DN này tăng trên 45%, đây là mốc tăng trưởng ấn tượng, thể hiện sự linh động của DN trong bối cảnh sản xuất mới.
Năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, có giai đoạn Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi (TP Sa Đéc) gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên với sự đồng hành từ chính quyền địa phương, sự nỗ lực bứt phá của tập thể người lao động tại đơn vị, Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi có “cú lội ngược dòng” mang lại sự thắng lợi cho DN trong những tháng đầu năm 2022. Ông Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi cho biết, những tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN thuận lợi so với năm qua nhưng với những thách thức mới từ việc nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, chi phí logistic tăng đột biến cũng gây ra nhiều áp lực mới cho công ty và cộng đồng DN. Tuy nhiên, với việc chủ động thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch vừa đẩy nhanh phát triển sản xuất nên trong những tháng đầu năm 2022, công ty có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Doanh thu từ xuất khẩu tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, thị trường nội địa tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi cũng đề ra nhiều giải pháp để giữ mức tăng trưởng tốt, trong đó ưu tiên cải tiến dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm giảm giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất để sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn. Đồng thời việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được DN đặc biệt quan tâm nhằm tạo được tâm lý đoàn kết, thoải mái cho người lao động. Đây được xem là “chìa khóa” giúp DN thuận lợi vượt qua khó khăn.
Ngành may mặc thực hiện nhiều giải pháp thích ứng trong giai đoạn sản xuất mới
Nỗ lực hơn trong những tháng tiếp theo
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina đang căng thẳng khiến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu có nhiều thay đổi tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN trong nước. Bên cạnh đó, việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống khiến cho hoạt động xuất khẩu của các DN tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn. Nếu không sớm có giải pháp thích ứng phù hợp, đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến DN sản xuất khó đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Bên cạnh nhóm các DN đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, một số DN ở nhóm sản xuất hàng may mặc và thức ăn chăn nuôi chưa đạt được mức tăng trưởng như mong đợi. Theo Sở Công Thương, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận chuyển tăng cao làm cho giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của DN ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, may mặc.
Đối với ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, do giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất liên tục tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất của DN. Do đó, sản lượng sản xuất của quý I chỉ bằng 81,49% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng ngành may mặc, do ảnh hưởng từ một số yếu tố đặc thù như sử dụng nhiều lao động, khi công nhân mắc Covid-19 sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN. Bên cạnh đó, khi công nhân khỏi bệnh đi làm trở lại, sức khỏe vẫn còn yếu chưa bắt kịp được nhịp độ lao động thường ngày, dẫn đến năng suất lao động giảm. Vì vậy, sản lượng sản xuất quý I chỉ bằng 86,46% so với cùng kỳ năm 2021. Ông Lê Minh Phương - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Phương Vũ (huyện Tam Nông) chia sẻ, hiện nay, dịch Covid-19 đang tái bùng phát tại một số nước và có quốc gia thực hiện lại chính sách phong tỏa, điều này khiến cho chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ ngành may mặc bị tác động tiêu cực. Hiện tại, trong quý I, Công ty TNHH may mặc Phương Vũ đạt được mức tăng trưởng ổn định nhưng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu trì trệ do ảnh hưởng tình hình xung đột giữa Nga và Ukraina nên dự báo cuối quý II, đầu quý III hoạt động của DN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Để chủ động giải quyết “nút thắt” về việc đứt gãy nguồn nguyên liệu, hiện DN đang tích cực tìm kiếm những nhà cung cấp mới. Việc thực hiện chính sách cùng đồng hành và san sẻ khó khăn với người lao động cũng được DN đặc biệt quan tâm. DN cũng đặt nhiều kỳ vọng trong những tháng tới, tình hình chính trị - kinh tế thế giới ổn định để hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trở lại quỹ đạo.
Theo phân tích của các chuyên gia, những tháng tiếp theo sẽ có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và ngành công thương nói riêng, bên cạnh những thách thức vẫn còn nhiều cơ hội để các DN bứt phá.
Để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo, tại cuộc họp thường kỳ tháng 3/2022, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm quý II, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, bên cạnh thách thức vẫn có nhiều cơ hội để tạo sự đột phá trong những tháng tiếp theo. Trước những dự báo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành và địa phương cần tiếp tục theo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nắm bắt những khó khăn có giải pháp tháo gỡ kịp thời để DN tiếp tục hoạt động. Riêng đối với ngành công thương, bên cạnh việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới liên kết tiêu thụ hàng hóa của tỉnh tại thị trường nội địa, cần chủ động phối hợp với Bộ Công Thương để sớm khôi phục hoạt động xuất khẩu ở những thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu mới nhằm giúp các DN thuận lợi hơn trong việc kết nối, xuất khẩu hàng hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần chủ động khôi phục lại hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo nền tảng để các DN chế biến có được nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, phục vụ chế biến, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước...
MỸ LÝ