Ngành dệt may nỗ lực xanh hóa chuỗi sản xuất

Cập nhật ngày: 09/02/2023 18:21:01

ĐTO - Là chủ đề chính của Hội thảo “Tổng kết chương trình bảo tồn nước ngành dệt may - định hướng mở rộng sang ngành thủy sản và nông nghiệp tại lưu vực sông Mê Kông” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP HCM (VCCI - HCM) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức ngày 9/2, tại TP Cao Lãnh.

Tham dự buổi hội thảo có đại diện lãnh đạo VCCI - HCM, WWF tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp ngành dệt may, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp.


Ban Tổ chức tặng quà cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho sự thành công chung của Dự án “Chương trình bảo tồn nước ngành dệt may”

Theo VCCI - HCM, thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi dòng chảy, sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước... nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nghiêm trọng về trữ lượng. Bên cạnh đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhu cầu sử dụng nguồn nước tăng cao, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để, làm suy giảm chất lượng nguồn nước. Vì vậy, nhiều năm qua, Chính phủ và các tổ chức quốc tế phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ cho các ngành sản xuất, kinh doanh trong việc bảo tồn nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm tài nguyên nước...

Đáng chú ý, từ năm 2018 với sự tài trợ của SDC, HSBC và Tommy Hilfiger, WWF Việt Nam đã khởi động dự án “Chương trình bảo tồn nước ngành dệt may”. Dự án thu hút sự tham gia của nhiều bên trong lĩnh vực dệt may để cải thiện việc quản lý và sử dụng nước và năng lượng. Đồng thời thúc đẩy hành động quản lý các lưu vực sông tốt hơn, góp phần bảo tồn số lượng và chất lượng nước.

Theo WWF tại Việt Nam, dự án “Chương trình bảo tồn nước ngành dệt may” đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Theo đó, dự án góp phần giúp tiết kiệm mỗi năm 2 triệu m3 nước, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 133 triệu megajoule năng lượng mỗi năm. Đặc biệt, dự án còn góp phần giúp cho hơn 800 doanh nghiệp dệt may nâng cao nhận thức về nước; cung cấp 4 quyển tài liệu hướng dẫn về xanh hóa ngành, kỹ năng kiểm toán nước/năng lượng, thực hành hiệu quả nước, tài chính xanh; vận động 70 Công ty Dệt may T&G tham gia thỏa thuận chung VITAS về dệt may bền vững...

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả tích cực trong bảo tồn nguồn nước ở ngành dệt may, trong giai đoạn tiếp theo, VCCI - HCM và WWF tại Việt Nam định hướng sẽ mở rộng hỗ trợ các doanh nghiệp ở ngành thủy sản và nông nghiệp tại lưu vực sông Mê Kông bảo tồn nguồn nước...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn