Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt mang xuồng cui lên phố

Cập nhật ngày: 14/01/2021 05:35:41

ĐTO - Ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, khi nhắc tới nghề đóng xuồng ghe nhiều người thường liên tưởng đến Làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) nức tiếng. Tuy nhiên, những năm gần đây với những thay đổi từ thời cuộc, làng nghề này dần mai một. Trước nguy cơ làng nghề truyền thống của cha ông có thể bị “xóa sổ” thì vẫn còn một người nghệ nhân quyết tâm gìn giữ tinh hoa của làng nghề. Bằng những sáng kiến mới mẻ và tình yêu nghề của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt) đã mang đến một “làn gió mới” cho làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài.


Ông Nguyễn Văn Tốt giới thiệu sản phẩm xuồng ghe “mini” với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2020

Những chiếc ghe chưa từng hạ thủy

Trở lại Rạch Bà Đài vào những ngày đầu tháng 12 âm lịch, khi những cơn gió bấc se lạnh báo hiệu một mùa xuân mới sắp đến. Chạy xe máy quanh co trên những tuyến đường liên ấp của xã Long Hậu, chúng tôi tìm về Làng nghề đóng xuồng ghe ở rạch Bà Đài. Vẫn hình ảnh cũ, những chiếc ghe cà dom trọng tải 30 – 40 tấn vẫn nằm im đội gió sương từ bao năm qua. Dù năm nào người thợ cũng cho ghe “uống dầu chong” để chống mối mọt nhưng màu thời gian ít nhiều vẫn in hằn trên những chiếc ghe to như ngôi nhà cấp bốn. Những chiếc ghe “khủng” này nằm chờ chủ từ nhiều năm nay. Đây có thể là lứa ghe cuối cùng của Làng nghề đóng xuồng ghe rạch Bà Đài mãi không được hạ thủy.

Chạy sâu vào rạch Bà Đài, không khí có phần yên ắng so với trước đây rất nhiều. Không còn tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa, tiếng hô hào của những thanh niên kéo gỗ như nhiều năm về trước. Thay vào đó là không khí bình lặng, yên ắng. Chạy mãi trên một đoạn đường rất xa, chúng tôi chỉ tìm được 2 hộ vẫn còn duy trì về đóng xuồng, phần nhiều những hộ đóng xuồng ghe khác đã chuyển nghề. Luồn sâu vào rạch Bà Đài, chúng tôi nghe xa xa có tiếng máy bào vọng lại, lòng rộn vui vì ít ra làng nghề đóng ghe xuồng lớn bậc nhất vùng châu thổ sông Cửu Long vẫn còn người duy trì, gắn bó với nghề.

Đang tất bật chuẩn bị sản xuất lô xuồng cho nhà vựa tận tỉnh Bến Tre, chị Lê Kim Lan - một cơ sở chuyên đóng xuồng ở rạch Bà Đài vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Chị không quên khoe với chúng tôi cơ sở vừa xuất xưởng hơn 100 chiếc xuồng cho bà con ở miền Trung. Đây là lô hàng lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Chị Lê Kim Lan tâm sự: “Phải thật sự yêu nghề đóng xuồng ghe này dữ lắm mới có thể gắn bó được đến giờ. Hiện giờ, làng nghề chỉ còn vài hộ đóng xuồng cầm chừng, còn số khác họ đã chuyển nghề từ rất lâu. Người thì chuyển sang làm vườn, hoặc đi Bình Dương làm công nhân. Giờ ghe lớn thì coi như khỏi bán rồi, còn xuồng cui thì còn bán được số lượng không nhiều”.

Mặc dù khó khăn nhưng vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn tiếp thị sản phẩm trên Youtube nên ngày càng có nhiều khách hàng ở các tỉnh xa tìm đến đặt hàng tại cơ sở của chị Lan. Dù doanh thu không khấm khá như thời kỳ “hoàng kim” của làng nghề nhưng chị Lan cũng giúp một số thợ đóng xuồng tại làng nghề có được công ăn việc làm ổn định.


Khách hàng thích thú với bộ sưu tập xuồng ghe “mini” của nghệ nhân Bảy Tốt

Xuồng ghe nhỏ chở ước mơ to

Chia tay chị Lan, chúng tôi đi sâu hơn vào rạch Bà Đài để tìm đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt (Bảy Tốt), cha đẻ của những chiếc xuồng ghe “mini”. Một sản phẩm mới của làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài rất được những “tay chơi” sành điệu ưa chuộng thời gian gần đây.

Đang cặm cụi chà nhám cho những chiếc xuồng cui mới đóng xong, ông Bảy Tốt vui vẻ kể cho chúng tôi về thời hoàng kim của làng nghề và cũng không quên giải thích rõ vì đâu làng nghề ngày càng mai một dần. Theo ông Bảy Tốt và nhiều bà con ở làng nghề, thay vì đi ghe xuồng như trước đây thì xe máy, xe tải trở thành những phương tiện tất yếu của xã hội hiện đại. Rồi những vật liệu mới vừa bền vừa đẹp như xuồng composite và tàu sắt ra đời cũng khiến cho nghề gia truyền ở rạch Bà Đài lâm vào tình cảnh nguy khó. Dù kể về những chuyện của ngày xưa nhưng từ trong đáy mắt ông Bảy Tốt, chúng tôi cảm nhận sâu sắc được tình yêu cháy bỏng của ông dành cho nghề đóng xuồng ghe. Nghề đóng xuồng ghe khá vất vả, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ nhưng chưa bao giờ ông Bảy Tốt nghĩ đến chuyện bỏ nghề.

Ông Bảy Tốt chia sẻ: “Trước đây, làng nghề không chỉ đóng xuồng ghe cỡ nhỏ mà còn đóng nhiều loại ghe trọng tải lớn hàng chục đến trên 100 tấn dùng để chở lúa. Dù khách hàng có đưa ra yêu cầu khó khăn gì chúng tôi cũng quyết chí làm bằng được. Còn nhớ năm đó, có một vị khách ở tận Cà Mau lên đặt tôi chiếc ghe trọng tải 150 tấn để trung chuyển hàng hóa. Khi đó, trong rạch Bà Đài, ai nấy cũng ngán ngẫm đơn hàng này. Tuy nhiên, tôi tin là mình sẽ làm được nên mạnh dạn nhận lời vị khách này. Rồi tôi cùng mấy chục anh em, thanh niên trai tráng làm suốt mấy tháng ròng, cuối cùng sau 3 tháng, chiếc ghe khủng 150 tấn cũng được hạ thủy an toàn. Sau nhiều tháng làm ăn, vị khách ở Cà Mau lên cảm ơn vì chiếc ghe cỡ lớn của chúng tôi đóng giúp họ làm ăn phát đạt. Với những người thợ đóng ghe như tôi chỉ cần nghe khách nói vậy là đã ấm lòng lắm rồi. Đó là động lực để tôi quyết tâm gắn chặt đời mình với nghề này”.


Sản phẩm bồn tắm phục vụ cho khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng

Con rạch Bà Đài vẫn còn đó nhưng đã lâu lắm rồi nó không được hạ thủy chiếc ghe “khủng” nào. Thay vào đó, ông Bảy Tốt cùng những người thợ ở làng nghề thay hình đổi dạng cho mấy chiếc xuồng ghe khủng thành những chiếc xuồng siêu mi ni phục vụ khách du lịch. Với hướng đi này, giúp cho làng nghề có thêm một hướng đi mới.

Theo ông Bảy Tốt, trong một lần nhớ nghề, ông thử đóng chiếc xuồng cui mi ni để hoài niệm lại nghề cũ nhưng lạ thay, nhiều người bắt đầu quan tâm đến sản phẩm mới của ông rồi có người ngỏ ý đặt hàng. Đầu tiên, ông đóng đủ một bộ sưu tập tất cả các kiểu xuồng ghe của vùng sông nước Nam Bộ cho một khu du lịch ở huyện Lấp Vò. Nhờ sản phẩm đẹp mắt, lại chứa đầy tâm huyết của người thợ nên khách hàng rất hài lòng. Từ đó, “tiếng lành đồn xa”, sản phẩm xuồng nghe “mini” của ông bảy Tốt được nhiều nơi đến đặt hàng. Với ông Tốt, mỗi chiếc xuồng nghe không chỉ là sản phẩm để ông mưu sinh mà đó còn là những câu chuyện về văn hóa miền sông nước Tây Nam bộ.

Những năm gần đây, nhờ du lịch phát triển nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ông Bảy Tốt cũng ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Không chỉ dừng lại phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm mà hiện nay nhiều khách hàng cũng đến đặt hàng với các sản phẩm mới như bồn tắm cho các khu du lịch; xuồng cui “mini” dùng thay cho các chậu cắm hoa, trưng bày tại các công trình đường hoa Tết. Hiện, mỗi sản phẩm của ông có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/chiếc. Sản phẩm hiện không chỉ bán cho khách hàng trong nước mà còn bán cho khách hàng ở nước ngoài. “Tôi không dám nghĩ rằng những sản phẩm mi ni của mình lại được thị trường đón nhận nhiệt tình đến vậy. Đây là động lực giúp tôi tin rằng, chỉ cần mình có đam mê và cố gắng hết mình thì cơ hội sẽ đến. Nếu không còn thời hoàng kim cho xuồng ghe di chuyển dưới nước thì du lịch sẽ là cánh cửa mới giúp xuồng nghe rạch Bà Đài bước lên phố thị”, ông Bảy Tốt chia sẻ.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn