Người tiêu dùng “khát” thực phẩm sạch
Cập nhật ngày: 01/09/2016 09:23:55
ĐTO - Thời gian qua, nhiều thông tin liên tiếp về thực phẩm tươi sống cho đến thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh khiến người tiêu dùng lo lắng và thay đổi tư duy mua sắm, tìm đến những sản phẩm sạch, an toàn.
Thực phẩm sạch luôn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thực phẩm “bẩn”
Thực phẩm được quảng cáo “sạch”
Nhằm đáp ứng “cơn khát” thực phẩm sạch của người tiêu dùng, thời gian qua, tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, hàng loạt các mặt hàng thực phẩm từ thịt, cá, rau, gạo, trứng... đều được quảng cáo “sạch” để thu hút người mua.
Gian hàng thịt heo của chị Trần Thị Nguyệt tại chợ TP.Cao Lãnh được nhiều khách hàng nhận xét là hàng tươi ngon. Chị Nguyệt cho biết: “Thịt ở gian hàng của tôi lấy từ các mối quen, ước chừng số lượng đủ bán trong ngày. Ngày bán bao nhiêu thịt thì cứ điện thoại dặn là người ta mang đến giao tại quầy cho mình”.
Theo tìm hiểu, nhiều quầy hàng kinh doanh thịt heo vẫn lấy thịt theo kiểu nhận hàng từ các mối lái chứ không đến tận nơi giết mổ để biết rõ nguồn gốc thịt.
Bên cạnh mặt hàng thịt, những người kinh doanh rau xanh cũng có muôn vàn cách để người tiêu dùng tin rằng đó là “rau sạch, nhà trồng”. Dạo một vòng chợ thực phẩm TP.Cao Lãnh, hầu hết người kinh doanh mặt hàng rau đều chào mời khách bằng những câu nói đại loại như: mớ rau này chị mới cắt ở nhà mang ra bán, rau hơi xấu vì bị sâu ăn nhưng là rau sạch...
Nguy cơ thực phẩm không an toàn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng. Tiếp xúc với nhiều bà nội trợ được biết, khi chọn thực phẩm cho gia đình phần đông các chị đắn đo không biết mua gì, mua ở đâu. Chị Trần Thị Việt ngụ phường 3, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Đến chợ mua thức ăn tôi thường suy nghĩ là nên “mua gì, ăn gì” để không ảnh hưởng sức khỏe gia đình. Tôi càng lo hơn khi đọc báo, xem tivi là thấy những thông tin cơ quan chức năng bắt được những vụ vận chuyển nội tạng, thực phẩm bẩn trên đường đi tiêu thụ. Nếu những vụ này không được ngăn chặn thì những thực phẩm đã hôi thối trên sẽ nằm trên bàn ăn của bất cứ gia đình nào, và đây là nỗi lo không của riêng tôi”.
Còn chị Đỗ Thị Hà Trâm ngụ xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh nói: “Nghe mấy chị em khác nói là rau xấu có sâu là rau sạch, còn rau tươi tốt mơn mởn là rau phun thuốc, nên mỗi khi đi chợ tôi đều tìm mua các loại rau xấu, rau vườn. Nhưng cũng chỉ hy vọng vậy thôi chứ không biết chắc chắn thế nào”.
Vừa lựa chọn mua hàng, chị Nguyễn Ngọc Thúy ngụ phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Ngoài chợ, các cơ sở buôn bán đều quảng cáo là “hàng sạch, an toàn”, người tiêu dùng như tôi không thể biết cái nào mới thực sự là sạch?”.
Quay về thời “tự cung, tự cấp”
Khi thực phẩm sạch ở các chợ trở thành “hàng hiếm” và không thể phân biệt thì không ít gia đình chọn cách quay về thời kỳ “tự cung, tự cấp” để phần nào đảm bảo bữa ăn an toàn cho gia đình.
Không quá khó trồng, không tốn nhiều chi phí, không nhất thiết phải có vườn, tự trồng rau xanh đang trở thành phong trào đối với nhiều gia đình “khát” thực phẩm xanh - sạch. Thậm chí, nhiều người bận rộn công việc nhưng vẫn luôn tranh thủ tự trồng rau xanh tại nhà để sử dụng cho gia đình.
Như gia đình cô Lê Thị Mỹ Hạnh ngụ phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh tận dụng khoảng đất trống sau nhà để trồng nhiều loại rau xanh dùng trong bữa ăn hàng ngày. Cô Hạnh cho biết: “Gần đây, gia đình tôi đã tự trồng rau xanh tại nhà đủ cung cấp trong các bữa ăn. Chi phí cho việc canh tác rau tại nhà chỉ mất khoảng vài trăm ngàn, bao gồm tiền mua các giống cây, phân rơm... cộng thêm công tưới nước hàng ngày là có nguồn rau sạch dùng cho cả gia đình. Chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại khá tối ưu cho sức khỏe”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương Loan ngụ phường 1, TP.Cao Lãnh cho biết: “Tôi tận dụng không gian nhỏ trong vườn để đặt các thùng xốp trồng rau. Mỗi thùng một loại rau, gia đình tôi có 12 thùng với nhiều loại rau khác nhau. Mỗi ngày, tôi bỏ thời gian tưới 2 lần, vào buổi ăn chỉ cần ra thu hoạch là có ngay bữa rau sạch”.
Có thể nói, câu chuyện về thực phẩm “bẩn” tuy không mới nhưng vẫn kéo dài, dai dẳng, bởi một bộ phận người kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng xử lý triệt để thì việc sản xuất thực phẩm rau “tự cung, tự cấp” đang là một giải pháp đối phó của người tiêu dùng trước thực trạng hiện nay.
Hoài Minh