Nguyên nhân cháy do sử dụng điện và cách phòng, chống
Cập nhật ngày: 01/03/2023 13:56:35
ĐTO - Hiện nay, các tỉnh, thành phía Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng đang vào mùa khô, nắng nóng, tình hình cháy nổ có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ là do sự thiếu cảnh giác của người dân trong công tác phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, các khu nhà cho thuê trọ, khu vực chợ, các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke... các cơ sở kinh doanh với nhu cầu sử dụng điện, chất đốt cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do chập điện và chất đốt là rất lớn. Trong đó, cháy nổ do chập điện, sử dụng gas, chất đốt không an toàn, thiếu thiết bị an toàn phòng cháy, chữa cháy được coi là những nguyên nhân hàng đầu.
Nhân viên Điện lực tuyên truyền cho khách hàng sử dụng điện an toàn và phòng, chống cháy nổ
Tuyên truyền và hướng dẫn về phòng, chống cháy, nổ trong sử dụng điện luôn được ngành điện đặc biệt quan tâm thực hiện thường xuyên. Qua đó, người sử dụng điện cần nâng cao ý thức, kiến thức về sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Các nguyên nhân cháy do sử dụng điện bất cẩn gây ra cháy do dùng điện quá tải: Quá tải là hiện tượng dòng điện chạy trên dây dẫn cấp điện cho các thiết bị tiêu thụ (phụ tải) lớn hơn nhiều so với dòng điện định mức của dây dẫn và các thiết bị đóng cắt hoặc nguồn cấp, gây phát sinh nhiệt.
Cháy do chập mạch điện: Chập mạch là hiện tượng các dây dẫn điện của các pha chập vào nhau, hoặc dây pha chạm đất làm điện trở dây dẫn giảm, cường độ dòng điện tăng lớn đột ngột dẫn tới cháy cách điện dây dẫn, phát sinh tia lửa điện gây cháy thiết bị điện...
Cháy do mối nối dây không tốt (lỏng, hở) phát nhiệt: Khi mối nối dây dẫn không tốt làm điện trở dây dẫn tăng lên, làm cho điểm nối nóng đỏ gây cháy dây dẫn và các vật cháy liền kề. Khi mối nối lỏng, hở sẽ có hiện tượng sinh ra tia lửa điện, được phóng qua không khí (móc nối dây dẫn, đóng mở cầu dao, công tắc điện).
Cháy do tĩnh điện: Tĩnh điện phát sinh do ma sát giữa các vật cách điện với nhau, giữa vật cách điện với vật dẫn điện do va đập của các chất lỏng cách điện (xăng, dầu) khi bơm rót, hoặc va đập của các chất lỏng với kim loại hay khi nghiền nát các hạt nhỏ rắn cách điện.
Cháy do sự truyền nhiệt của vật tiêu thụ điện: Vật tiêu thụ điện trong thời gian sử dụng, hoạt động đều tỏa nhiệt (sinh ra nhiệt). Nhiệt tỏa ra phụ thuộc vào tính chất môi trường, công suất và thời gian tiêu thụ. Nếu không được kiểm soát thì nguồn nhiệt này cũng có thể gây ra cháy.
Nhân viên Điện lực hướng dẫn khách hàng cách sử dụng điện an toàn
Cháy do phóng điện sét: Những cơn mưa giông mùa hè thường ẩn chứa nhiều nguy cơ phóng điện sét (sét đánh) là hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người và gây cháy nổ thiết bị điện khi bị sét đánh trực tiếp, vì dòng điện do sét gây ra có giá trị rất lớn.
Khuyến cáo của ngành điện
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy trong cộng đồng, trong đó có cháy, nổ trong sử dụng điện, rất cần sự chung tay góp sức của người dân. Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần trang bị kiến thức an toàn khi sử dụng điện.
Điện lực khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nên thực hiện thi công phần điện đúng theo thiết kế thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy. Mỗi gia đình phải lắp thiết bị tự ngắt (CB) cho hệ thống điện chung, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Hàng hóa dễ cháy không được để gần bóng điện, ổ cắm... Bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m.
Mỗi người cũng lưu ý, khi sử dụng bàn là, bếp điện... phải có người trông coi, không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, người dân nên trang bị bình chữa cháy xách tay CO2 hoặc MFZ loại 2kg, 4kg.
T.N