Những nghệ nhân trẻ đam mê sửa kiểng bonsai

Cập nhật ngày: 20/06/2023 05:35:08

ĐTO - Làng hoa Sa Đéc, từ lâu không chỉ được biết đến là trung tâm sản xuất hoa kiểng lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long với hàng ngàn loài hoa khoe sắc mà còn nổi tiếng với làng nghề sửa kiểng bonsai. Từ cái nôi của làng nghề đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân, trong đó những nghệ nhân trẻ có niềm đam mê sâu sắc với cây kiểng đã góp phần lưu giữ và phát triển làng nghề sửa kiểng bonsai ở làng hoa.


Anh Bùi Đức Lợi - nghệ nhân trẻ tuổi nhất của TP Sa Đéc với niềm đam mê sửa kiểng bonsai (
Ảnh: Ngọc Duy)

Đam mê nghề sửa kiểng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Bùi Đức Lợi chuyển sang học nghề sửa kiểng bonsai và bắt đầu theo đuổi công việc nghề cho đến nay. Chỉ mới 22 tuổi nhưng anh Lợi từng có nhiều tác phẩm bonsai đạt giải thưởng ở các hội thi và trở thành nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Câu lạc bộ (CLB) Bonsai TP Sa Đéc. Anh Lợi kể: “Đam mê và yêu thích nghề sửa kiểng từ nhỏ nên khi còn đi học, tôi đã bắt đầu học hỏi từ các anh, các chú. Giờ khi đã có điều kiện, tôi vẫn luôn cố gắng từng ngày, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các anh, các chú nghệ nhân kỳ cựu của làng, để hoàn thiện hơn bản thân mình và cố gắng tạo thêm nhiều sản phẩm có giá trị vừa thỏa mãn đam mê, vừa tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy sự phát triển làng nghề cây kiểng của Sa Đéc”.

Nhờ sự kiên trì, chịu khó, mê nghề sửa kiển bonsai, chỉ sau 3 năm vào nghề, anh Mai Trọng Đức - thành viên CLB Bonsai TP Sa Đéc đã được công nhận là nghệ nhân cấp thành phố. Qua 7 năm gắn bó, anh Đức sở hữu nhiều giải thưởng khác nhau, hiện anh đang phụ trách hỗ trợ về kỹ thuật cho các thành viên trong CLB Bonsai TP Sa Đéc. Khu vườn của anh có hàng trăm tác phẩm bonsai khác nhau, mỗi năm, anh cung ứng cho thị trường rất nhiều tác phẩm có giá trị.


Nghệ nhân Mai Trọng Đức (bìa phải) luôn học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên trong Câu lạc bộ (
Ảnh: Ngọc Duy)

Ông Vương Phát Hồng - Chủ nhiệm bộ môn Bonsai thuộc Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc, cho biết: Hiện tại, CLB Bonsai TP Sa Đéc có khoảng 80 thành viên nhưng chưa đến 10 người được công nhận là nghệ nhân và bộ môn Bonsai cũng là một bộ môn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, người sửa kiểng bonsai phải có tính kiên nhẫn, chịu khó và kiên trì nên trước nay bộ môn này thường gắn bó với những người lớn tuổi. Việc có thêm những nghệ nhân trẻ tuổi càng cho thấy sự đam mê của họ đối với bộ môn này. “Những nghệ nhân trẻ rất chịu khó trau dồi học hỏi nâng cao tay nghề, nhất là tìm tòi những cái mới, từ cách sử dụng phân thuốc tới cách uốn nắn, sửa cành, thậm chí tìm hiểu cây kiểng của nước ngoài để áp dụng vào các tác phẩm ở địa phương. Thêm vào đó, các nghệ nhân trẻ đều có trình độ học vấn tương đối khá nên việc tiếp thu kiến thức mới rất nhanh”, ông Hồng nhận xét thêm.

Ông Nguyễn Phước Lộc - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc cho biết: “Trong tương lai, Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc cũng như CLB Bon sai TP Sa Đéc đang có tầm nhìn về xuất khẩu cây kiểng ra các nước, đặc biệt là cây bonsai xuất đi Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Việc ngày càng có thêm những nghệ nhân trẻ tuổi đam mê nghề sửa kiểng sẽ góp phần lan tỏa thêm bộ môn nghệ thuật này đến với giới trẻ. Đây chính là những hạt nhân trong tương lai sẽ kế thừa những thế hệ đi trước tạo ra “luồng gió” mới cho bonsai Sa Đéc nói riêng và Đồng Tháp nói chung vươn xa trong thời gian tới”.

Với lợi thế là cái nôi của nghề hoa kiểng, bằng niềm đam mê, sáng tạo của mình, hy vọng rằng thời gian tới, các nghệ nhân trẻ ở Làng hoa Sa Đéc sẽ tiếp tục kế thừa từ những người đi trước, truyền chỉ nhau để có thêm ngày càng nhiều tác phẩm nghệ thuật góp phần quảng bá hoa kiểng Sa Đéc đến với du khách gần xa.

Thanh Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn