Niềm tin từ trái xoài Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 09/03/2022 13:14:29

ĐTO - Sự kiện UBND tỉnh tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài (3 tấn) đầu năm 2022 của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu (ngày 19/2) thật sự là một tin vui đối với nhiều người, tạo thêm niềm tin, động lực cho nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đơn vị xuất khẩu xoài là Công ty CP Cánh Cổng Vàng Việt Nam, Công ty TNHH Westerfarm và đơn vị cung ứng xoài là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh).


Xoài Đồng Tháp xuất khẩu sang châu Âu

Hiện tỉnh có trên 13.000ha xoài, sản lượng trên 130.000 tấn/năm, đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh với nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất như: rải vụ thu hoạch (70% diện tích), bao trái (90% diện tích), sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Toàn tỉnh có 353ha xoài chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 55ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2013, tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” và “Xoài Cao Lãnh”... Sự kiện xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của tỉnh Đồng Tháp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản và cũng là điều kiện để khai thác có hiệu quả hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, sau lễ công bố xuất khẩu lô xoài Việt Nam đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ tại Đồng Tháp năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng các chương trình trọng điểm, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư đến các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường cho các loại cây ăn trái, đặc biệt là xoài để đảm bảo trái xoài đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh. Năm 2021, đã thí điểm mô hình cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài. Việc lô xoài đầu tiên năm 2022 của Đồng Tháp xuất khẩu sang EU, góp phần tạo điều kiện cho trái xoài của tỉnh thâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty CP Cánh Cổng Vàng Việt Nam chia sẻ: “Quá trình khảo sát nhu cầu của thị trường cũng như tìm kiếm các đối tác nhập khẩu, chúng tôi đã kết nối được với Tập đoàn MCE tại Hà Lan, tập đoàn phân phối sản phẩm nông sản cho 24 nước khối EU và nhiều đơn hàng xuất khẩu xoài đi Hàn Quốc. Ngày 20/2, Công ty CP Cánh Cổng Vàng Việt Nam, Công ty TNHH Westerfarm tiến hành xuất khẩu lô xoài sang EU với số lượng 1,5 tấn xoài cát chu vàng và 1,5 tấn xoài cát chu xanh. Ban đầu, chúng tôi xuất khẩu xoài sang EU cho Tập đoàn MCE với sản lượng 8 tấn/tuần, sau đó, sẽ tăng dần số lượng. Đồng thời triển khai xuất khẩu các giống xoài (cát chu, hòa lộc) sang một số thị trường khác. Ngoài xoài, nhu cầu xuất khẩu của chúng tôi trong thời gian tới còn có các mặt hàng giá trị cao và là thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp cho Tập đoàn MCE như: nhãn, sầu riêng, mít, ổi, ớt, gạo, mãng cầu xiêm... với số lượng lớn”.

“Mặc dù trải qua rất khó khăn và thách thức trong dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp địa phương, của người dân, sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, sản phẩm xoài Đồng Tháp tiếp tục vươn đến thị trường châu Âu. Đây là cột mốc có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hậu Covid-19, góp phần tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt, khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản Việt, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương”- bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương chia sẻ tại lễ công bố.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ phát huy hơn nữa kết quả đạt được, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ; phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu; phát triển kinh tế hợp tác, củng cố liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chuỗi giá trị... Song song đó, các nhà vườn trồng xoài phải duy trì sản xuất xoài đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thực hiện mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu để sản lượng xoài nói riêng và trái cây nói chung của tỉnh tiếp tục xuất khẩu sang thị trường EU một cách bền vững.

Gần 20 năm qua, tỉnh chú trọng phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung và xây dựng vườn cây ăn trái kiểu mẫu với 3 loại cây là xoài, nhãn và quýt hồng. Đến nay, đã hình thành nên những vườn cây ăn trái chủ lực như: vùng sản xuất xoài thuộc huyện Cao Lãnh, vùng sản xuất nhãn tập trung huyện Châu Thành, vùng sản xuất cây có múi tập trung ở huyện Lai Vung và Lấp Vò. Việc sản xuất cây ăn trái an toàn theo hướng GAP cũng được triển khai thực hiện gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, cấp mã vùng trồng xoài để xuất khẩu, liên kết sản xuất với tiêu thụ... Hiện toàn tỉnh có trên 4.800ha cây ăn trái được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển (Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc) gồm: xoài, nhãn, mít, thanh long, chanh không hạt, vú sữa...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn