Phát triển cây nhãn theo hướng bền vững và phù hợp với yêu cầu thị trường

Cập nhật ngày: 04/02/2024 05:00:50

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240204030137dt2-2.mp3

 

ĐTO - Phát triển cây nhãn theo hướng ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển ngành hàng nhãn Châu Thành. Chính vì vậy, việc tổ chức lại sản xuất, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ngành nông nghiệp huyện đẩy mạnh...


Thu hoạch nhãn tại xã An Nhơn - thủ phủ trồng nhãn của huyện Châu Thành

Toàn huyện Châu Thành hiện có 2.670ha trồng nhãn (lớn nhất tỉnh). Trong đó, vùng trồng tập trung tại các xã: An Nhơn, An Phú Thuận, Tân Nhuận Đông, An Khánh. Thực tế sản xuất cho thấy, cây nhãn phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng trong vùng, đồng thời đem lại giá trị kinh tế cao so với một số loại cây trồng khác trên địa bàn huyện.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, chi phí trung bình hộ đầu tư cho 1.000m2 (1 công) nhãn là 9 triệu đồng, năng suất từ 1,2 - 1,7 tấn/công, giá bán bình quân khoảng 20.000 đồng/kg thì người nông dân có thu nhập là 30 triệu đồng/công. Lợi nhuận của hộ trồng nhãn bình quân đạt 21 triệu đồng/1.000m2. Nhờ tính ổn định này nên cây nhãn đã và đang được người dân xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế.

Đến nay, huyện Châu Thành đã tổ chức và thành lập được 2 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác và 2 Hội quán tại các vùng trồng nhãn tập trung của huyện. Sự ra đời của các tổ chức sản xuất đã mang lại hiệu quả cho việc phát triển cây ăn trái của Châu Thành thông qua việc tổ chức lại sản xuất, giúp thành viên và nông dân tiếp cận các quy trình sản xuất nhãn theo hướng an toàn, nâng cao năng suất, tiếp cận các chính sách trong phát triển ngành hàng.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn và đảm bảo môi trường, nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng nhãn theo hướng an toàn, hữu cơ, VietGAP được quan tâm triển khai thực hiện. Do đó, hiện nay, hầu hết diện tích trồng nhãn, người dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ, giúp giảm chi phí và cải tạo đất... Hiện toàn huyện có 126,19ha được cấp chứng nhận VietGAP; có 23 mã số vùng trồng với 671,23ha phục vụ xuất khẩu.

Ông Võ Đình Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, nhãn là một trong những ngành hàng chủ lực, thế mạnh của huyện trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất nhãn tập trung, gắn với đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục vận dụng, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các chính sách trong liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm nhãn theo chuỗi giá trị; tăng cường quảng bá nhãn hiệu nhãn Châu Thành, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhãn trên các sàn thương mại điện tử; mời gọi các doanh nghiệp liên kết với vùng trồng (cả doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp chế biến nông sản)... từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cây nhãn.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn