Phát triển cây trồng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị
Cập nhật ngày: 07/12/2023 14:04:31
ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo năm 2024, tình hình sản xuất cây trồng trên địa bàn tỉnh có những cơ hội, thuận lợi nhất định. Trong đó, giá bán lúa có xu hướng gia tăng do Ấn Độ ban hành chính sách cấm xuất khẩu gạo. Cây lâu năm tiếp tục gia tăng diện tích với những tín hiệu tích cực từ thị trường. Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán có nhiều kênh tiếp cận, học hỏi, giao lưu và nâng cao năng lực, tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới...
Nông dân huyện Lai Vung chăm sóc vườn quýt hồng
Bên cạnh mặt thuận lợi, những bất ổn trong lĩnh vực kinh tế - chính trị trên thế giới được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của người dân như: giá cả nguyên liệu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí vận chuyển tăng... Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình sản xuất; các rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng cao; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế; tình hình dịch hại, các đối tượng sâu, bệnh có thể phát triển mạnh...
Trước những dự báo về thuận lợi, khó khăn đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch sản xuất cây trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024 với mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực và tạo động lực phát triển ngành hàng chủ lực gắn với giảm giá thành, tăng giá trị trên cùng đơn vị sản xuất. Đồng thời mở rộng quy mô vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo giá trị mới trong sản xuất và phát triển bền vững, thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn.
Theo đó, chỉ tiêu sản xuất cây trồng năm 2024 được ngành nông nghiệp đề ra với tổng diện tích gieo trồng lúa là 495.500ha (tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 75% và áp dụng sạ hàng, sạ thưa 45% diện tích xuống giống), năng suất bình quân 65 tạ/ha, sản lượng lúa cả năm đạt trên 3,14 triệu tấn. Tổng diện tích gieo trồng hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày đạt trên 35.000ha; tổng diện tích cây lâu năm là gần 46.500ha.
Để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp đề ra một số giải pháp chính. Đối với cây lúa, trên cơ sở theo dõi số liệu bẫy đèn, tình hình khí tượng thủy văn, thực tế sản xuất ở từng địa phương, các huyện, thành phố xây dựng lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, né hạn. Đảm bảo cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai, sinh thái, nguồn nước, thời tiết... không bị ảnh hưởng lẫn nhau bởi dịch bệnh hoặc xung đột lợi ích (đê bao, nguồn nước, thu nhập...). Những khu vực, ô bao xả lũ có kiểm soát, chủ động rút ngắn thời gian xả lũ, bơm rút nước nhằm bố trí lịch xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024 sớm hơn trong tháng 10 đến tháng 11/2023; xây dựng kế hoạch xả lũ năm 2024 để có cơ sở xây dựng lịch thời vụ và thông tin, thông báo sớm cho nông dân biết để chủ động phương án sản xuất trong năm. Thu hoạch vụ thu đông 2024 an toàn trước lũ và bảo đảm tốt liên kết tiêu thụ...
Đối với hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, hoa kiểng, cây ăn trái, các địa phương tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất gắn với các doanh nghiệp để tiêu thụ; khuyến khích mở rộng diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày trong vụ hè thu. Riêng cây lâu năm, xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; việc phát triển cây ăn trái cần theo định hướng thị trường, tránh phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát khiến cung vượt cầu.
Đồng thời đẩy mạnh công tác bảo vệ sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản. Theo đó, xây dựng các vùng nguyên liệu cung ứng theo yêu cầu thị trường, phân khúc thị trường, đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất. Mặt khác củng cố hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ tạo điều kiện thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung lớn...
Y DU