Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp giúp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng nông sản
Cập nhật ngày: 18/01/2023 10:55:59
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động ở nông thôn; ưu tiên phát triển cơ giới hóa vào cây trồng và vật nuôi có khối lượng hàng hóa tương đối lớn, giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì nền nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư các trang thiết bị, máy móc nông nghiệp hiện đại phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm giá thành, giảm tổn thất trong nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng lợi nhuận…
Bà con nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản
Theo đó, đến năm 2025, kế hoạch đề ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể. Đối với lĩnh vực trồng trọt, trên cây lúa cơ giới hóa 100% diện tích đất có nhu cầu làm đất; 90% diện tích gieo sạ lúa bằng máy; 100% diện tích sản xuất được bơm tưới chủ động bằng trạm bơm điện hoặc máy dầu; 100% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy và có 70% diện tích phun phân bằng máy.
Đố với khâu thu hoạch có 100% diện tích sản xuất thu hoạch bằng máy; khâu sau thu hoạch có 80% diện tích được thu gom rơm bằng máy hoặc xử lý bằng các chế phẩm sinh học, 90% diện tích lúa được sấy và bảo quản đúng quy trình.
Trên cây rau, màu khâu làm đất có 70% diện tích sản xuất ứng dụng cơ giới; khâu tưới tiêu có 80% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng máy; khâu chăm sóc có 90% diện tích sản xuất được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy.
Trên cây ăn trái khâu làm đất, cơ giới hoá trong việc lên liếp xây dựng vườn cây ăn trái đạt 85%; 100% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng máy; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy chiếm 90% diện tích.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến năm 2025, cơ giới hóa trong sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% và 60% thực hiện cơ giới hóa đồng bộ ở các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và trang trại quy mô lớn. Lĩnh vực thuỷ sản, tỷ lệ cơ giới hoá từng khâu đạt từ 70%.
Trong phát triển chế biến, bảo quản nông sản, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8%/năm; trên 50% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% - 0,7 %/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 40% là sản phẩm chế biến.
Đến năm 2030, kế hoạch đề ra mục tiêu, trên cây lúa, diện tích được ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ là 80%; diện tích được thu gom rơm bằng máy hoặc xử lý bằng các chế phẩm sinh học đạt 90%, diện tích lúa được sấy và bảo quản đúng quy trình đạt 100%.
Trên cây rau, màu, khâu làm đất có 80% diện tích sản xuất từ cơ giới; 90% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng máy; khâu chăm sóc có 100% diện tích sản xuất được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy.
Trên cây ăn trái, cơ giới hoá trong việc lên liếp xây dựng vườn cây ăn trái đạt 95%; 100% diện tích sản xuất được tưới tiêu bằng máy; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy chiếm 95% diện tích trong khâu chăm sóc.
Cơ giới hóa trong sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 90% và 60% thực hiện cơ giới hóa đồng bộ ở các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô lớn. Lĩnh vực thuỷ sản, tỷ lệ cơ giới hoá đồng bộ đạt trên 90%.
Trong phát triển chế biến, bảo quản nông sản; tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 10%/năm; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên. Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,7% đến 1%/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.
Trong những năm qua, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh. Nhiều loại trang thiết bị máy nông nghiệp mới được áp dụng vào sản xuất.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn tỉnh khá nhiều, đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu hầu hết các khâu trước, trong và sau thu hoạch (trên 2.100 máy cày, 3.838 máy xới các loại, 1.620 máy gặt đập liên hợp, 1.153 máy sạ hàng - phun xịt, 1.580 trạm bơm, khoảng 98 máy cấy, 510 lò sấy, 69.260 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và 8.481 hệ thống tưới...).
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Chỉ một số ít trang trại chăn nuôi có đầu tư cơ giới hóa một số công đoạn như: vệ sinh chuồng trại, cho ăn, cho uống…
Lĩnh vực thuỷ sản có 100% diện tích ao nuôi được xử lý bùn bằng cơ giới. Trên địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm thực hiện công nghệ cho ăn tự động nhằm giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra, có 4 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh ứng dụng công nghệ vi phẫu tạo ra con tôm cái giả (với số lượng 64.000 con) để sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực.
Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở sản xuất giống cá tra tiếp nhận đàn cá tra hậu bị cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 2 với số lượng 21.610 con, đến nay đàn cá tra này sản xuất gần 30 tỷ bột cung cấp ra thị trường. Trong công tác quản lý dịch bệnh thực hiện xét nghiệm bệnh bằng phương pháp PCR (polymerase chain reaction), góp phần gia tăng độ chính xác và giảm thời gian thực hiện.
|
Y DU