Phát triển kinh tế hợp tác trong liên kết sản xuất

Cập nhật ngày: 02/10/2013 05:42:42

Liên kết sản xuất và tiêu thụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trong đó, vai trò của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hết sức quan trọng, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất từ kinh tế hộ gia đình sang kinh tế tập thể. Đồng thời là chất xúc tác gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân, tạo đầu ra bền vững...


Sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp

Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chúng ta đã đề cập quá nhiều đến lợi ích của kinh tế hợp tác, điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, điện khí hóa... nhưng nhiều năm qua phong trào hợp tác vẫn ì ạch. Những tín hiệu về cánh đồng liên kết gần đây là khởi đầu cho bước chuyển mình hướng đến nông nghiệp bền vững, khi người sản xuất trả lời được câu hỏi "trồng cây gì? bán cho ai? và bán như thế nào? thì doanh nghiệp cũng trả lời cho mình câu hỏi mua ở đâu? mua cái gì? và mua như thế nào".

Khởi điểm năm 2011, chỉ có 7 HTX tham gia xây dựng cánh đồng liên kết thì hiện nay đã có đến 32 HTX và 26 tổ hợp tác (THT) tham gia. Đây được xem là bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các HTX, THT đã vận động nông dân xuống giống tập trung, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Đặc biệt, làm đầu mối gắn kết nông dân và doanh nghiệp thúc đẩy quá trình tiêu thụ. Để sản phẩm vươn mình ra thị trường, nhiều HTX còn tiến đến sản xuất lúa theo hướng VietGap, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa...

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, sau 2 năm triển khai thực hiện, số lượng cánh đồng liên kết tăng lên đáng kể. Theo thống kê, năm 2011, có 17 cánh đồng được doanh nghiệp thu mua với tổng diện tích 2.400ha, sản lượng 800 tấn lúa. Đến nay, toàn tỉnh có 108 cánh đồng mẫu ở 9 huyện thị, với tổng diện tích trên 51.000ha, tăng gấp 21 lần so với thời điểm mới bắt đầu triển khai thực hiện. Đồng hành với chương trình, nhiều doanh nghiệp đã gắn bó với từng cánh đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH XNK Võ Thị Thu hà, Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên...

Trên tiến trình đó, mô hình kinh tế hợp tác đã từng bước khẳng định được vai trò của mình, cầu nối trong liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân, tạo bước đi vững chãi cho đầu ra sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Trãi - chủ nhiệm HTX Tân Cường, huyện Tam Nông cho biết: "Chúng tôi xác định để thoát khỏi cảnh bấp bênh thì liên kết với doanh nghiệp mới có thể đảm bảo đầu ra cho người nông dân được tốt. Sau khi tiến hành liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Võ Thị Thu Hà, nông dân và doanh nghiệp đã có tiếng nói chung, người sản xuất cũng tìm ra hướng đi cần thiết cho mình".


Nhãn Châu Thành, một trong những nông sản thế mạnh của địa phương

Theo đánh giá của ngành chức năng, lợi ích thiết thực mà phương thức sản xuất liên kết mang lại là người nông dân có quyền được quyết định giá sản phẩm làm ra và giá bán cao hơn thị trường từ 200 - 300đồng/kg. Riêng HTX làm đầu mối liên kết cho doanh nghiệp với nông dân được hưởng hoa hồng từ doanh nghiệp 300 đồng/kg lúa tươi.

Ông Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho hay: "Tham gia mô hình cánh đồng liên kết của doanh nghiệp, nông dân giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận, đầu ra cho sản phẩm ổn định, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Trong thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với các ngành củng cố lại các HTX địa phương, nhằm tạo sự gắn kết bền chặt hơn giữa doanh nghiệp và nông dân".

Hướng tới khai thác những thế mạnh sản phẩm nông sản chủ lực, tỉnh đã chọn 13 HTX, 3 THT tiên tiến gắn liền với vùng chuyên canh nông sản đặc thù của tỉnh: quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, sen Tháp Mười, ớt Thanh Bình... Theo đó, từng bước hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn, đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

Đối với những HTX này, các đơn vị đã tìm cho mình những hướng đi mới, chủ động ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Xoài Mỹ Xương đã ký kết với DNTN Anh Tú, cửa hàng Hương Quê và Công ty Yasaka với giá cao hơn 3.000 - 5.000 đồng/kg, HTX ớt Thuận Phong ký kết với doanh nghiệp Dũng Ớt và có hơn 10 điểm thu mua trên địa bàn với sản lượng tiêu thụ khoảng 20 tấn/ngày...

Các liên kết sản xuất tiêu thụ trên đã mang lại những tín hiệu khởi sắc cho ngành nông nghiệp, sản phẩm thế mạnh của địa phương đi vào bước ngoặc mới, không còn lo lắng cảnh trúng mùa mất giá.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn