Phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại

Cập nhật ngày: 21/01/2021 10:18:53

ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


Chế biến cá tra

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng theo chiều sâu, giá trị tăng thêm tăng nhanh. Đồng thời hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng Tháp trở thành tỉnh có ngành công nghiệp phát triển hiện đại.

Theo đó, đến năm 2030, kế hoạch đề ra mục tiêu, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt trên 25%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 22%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 9%/năm. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 9%/năm. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp qua đào tạo trên 80% và lao động trình độ cao trên 15%.

Để thực hiện kế hoạch đạt kết quả, tỉnh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, tỉnh điều chỉnh quy hoạch bố trí không gian công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên phát triển công nghiệp tại khu, cụm công nghiệp; cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành có kỹ thuật, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Chủ động liên doanh, liên kết với các tổng công ty lớn, tập đoàn, doanh nghiệp (DN) đầu tàu... để dẫn dắt, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Riêng giai đoạn 2030-2045, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Tạo điều kiện cho các DN nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ DN phát triển, nhất là các DN công nghiệp nhỏ và vừa. Thường xuyên quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, nhất là vấn đề về vốn, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tỉnh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo về quy mô, chất lượng phù hợp với ngành, nghề thực tế của địa. Đồng thời tập trung khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, DN đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ nhằm phát triển sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của các tổ chức, DN...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn