Huyện Châu Thành
Tập trung duy trì ổn định vùng quy hoạch khoai lang
Cập nhật ngày: 21/01/2021 06:55:44
ĐTO - Thời gian qua, khoai lang là mặt hàng nông sản thế mạnh trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) của huyện Châu Thành. Để nâng cao hơn giá trị, huyện Châu Thành đã và đang tập trung phát triển chuỗi giá trị ngành hàng khoai lang thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất...
Mô hình giảm giá thành sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP năm 2020 được triển khai giúp nâng cao giá trị ngành hàng khoai lang
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, khoai lang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành canh tác với tổng diện tích hàng năm khoảng 3.500ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân (trong đó, khoai lang tím Nhật chiếm trên 85% diện tích). Trong vụ khoai lang đông xuân 2019 - 2020, nông dân huyện Châu Thành xuống giống hơn 73ha giống khoai lang tím Nhật, với năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 18.200 tấn.
Với mục tiêu hỗ trợ nông dân canh tác khoai lang đạt năng suất, chất lượng, an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao, từ khoảng tháng 6/2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Châu Thành triển khai thí điểm mô hình giảm giá thành sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP năm 2020 tại xã Tân Phú với diện tích 50ha, có 41 hộ tham gia sản xuất.
Theo đó, nông dân khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ vật tư phân hữu cơ; tập huấn phổ biến quy trình canh tác khoai lang theo hướng VietGAP; hướng dẫn ghi chép nhật ký; dinh dưỡng phù hợp cho khoai lang từng giai đoạn; hướng dẫn ủ phân hữu cơ... Để đạt hiệu quả cao trong canh tác, nông dân còn được tập huấn bón phân theo công thức 100 N: 140 P2O5: 300 K2O (tương đương tỷ lệ 1:1,5:3, ưu tiên yếu tố kali cao giúp gia tăng năng suất, tăng chất lượng củ khi thu hoạch. Đồng thời khuyến cáo sử dụng lượng đạm thấp giúp kéo dài thời gian bảo quản, khoai ít nhiễm bệnh thối, mềm củ và giảm dư lượng nitrat trong sản phẩm sau thu hoạch...
Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Phan Phi Hoàng ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết: “Trong vụ khoai lang vừa qua, gia đình tôi được Trung tâm DVNN huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình giảm giá thành sản xuất khoai lang. Từ đây, tôi đã ý thức được việc sử dụng phân hữu cơ và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong canh tác, bước đầu đem lại hiệu quả. Nhờ áp dụng những biện pháp này giúp gia đình tiết kiệm chi phí phân thuốc, do các loại sâu ăn lá chỉ nhiễm nhẹ mức 5 - 10%, chủ yếu trên giai đoạn 90 - 120 ngày; bọ sung có tỷ lệ nhiễm thấp chỉ còn 3 - 5%...”.
Ông Phan Thanh Phương ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết, từ đầu vụ, khi tham gia mô hình, ước tính chi phí giống, phân bón, chăm sóc cho vụ khoai lang chỉ khoảng 22 triệu đồng/ha, giảm khoảng 10 - 20% so với phương pháp cũ. Khi tham gia mô hình, gia đình ông được hỗ trợ sử dụng giống khoai lang tím có chất lượng và làm đất, bón phân theo đúng quy trình, ghi chép nhật ký sản xuất... Qua hướng dẫn, ông nhận thấy việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp hệ sinh vật trong đất ổn định, từ đó áp lực bệnh hại giảm nên số lần phun thuốc bệnh giảm, giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo sức khỏe khi canh tác. Mô hình cũng góp phần giúp nông dân thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất cũ.
Theo Trung tâm DVNN huyện Châu Thành, thời gian qua, thông qua những mô hình khuyến nông, các lớp chuyển giao khoa học công nghệ đã từng bước giúp nông dân trồng khoai lang thay đổi được tập quán sản xuất, dần áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn VietGAP. Qua tham gia mô hình, nông dân đã nắm được qui trình sản xuất an toàn sinh học ở các khâu chọn giống, làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.
Ông Võ Đình Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, thời gian tới, để phát triển ngành hàng khoai lang, địa phương sẽ tập trung duy trì ổn định vùng quy hoạch khoai lang của huyện. Song song đó, tập trung phát triển ngành hàng theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, gắn chế biến để phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống khoai lang; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm khoai lang Châu Thành... Ngoài ra, địa phương cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa An (xã Hòa Tân) với diện tích sản xuất hơn 100ha.
Trang Huỳnh