Phát triển sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 03/05/2013 03:43:43

Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, trong 2 năm qua, các địa phương tiếp tục xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư hỗ trợ sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất thông qua các chương trình chính sách, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Mô hình sản xuất hoa kiểng mang lại hiệu quả
kinh tế cao trên địa bàn thị xã Sa Đéc

Toàn tỉnh đã triển khai 23 đề án phát triển sản xuất về lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, cá tra giống, phát triển mô hình sản xuất theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ, sản xuất lúa giống; vùng chuyên canh rau, màu; vùng nuôi cá thương phẩm, mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất ruộng, đề án sản xuất xoài VietGap, phát triển cây kiểng, cây ăn trái. Có trên 53 mô hình sản xuất đạt hiệu quả được áp dụng và nhân rộng điển hình như: mô hình nuôi tôm trong mùa lũ, trồng hoa kiểng, cánh đồng liên kết.

Trong đó, bước đầu đã hình thành mô hình sản xuất liên kết với tiêu thụ làm tiền đề nhân rộng (gọi tắt là cánh đồng liên kết). Năm 2012 toàn tỉnh đã xây dựng được 70 cánh đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với tổng diện tích 17.127ha, có 9.983 hộ nông dân tham gia thực hiện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã hỗ trợ cho 71 mô hình ở các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gồm trên 400 máy móc nông nghiệp các loại với tổng kinh phí gần gần 4 tỷ đồng. Thực hiện dự án Khí sinh học Hà Lan xây dựng 100 hầm biogas cho 100 hộ dân ở 30m xã điểm, kinh phí thực hiện bình quân trên 10 triệu đồng/hầm. Đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình bảo hiểm nông nghiệp trên lúa tại các huyện Tháp Mười, Tân Hồng và Châu Thành.

Tiếp tục củng cố và phát triển HTX, THT, qua đó toàn tỉnh hiện có 129 HTX, 173 THT hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức này hoạt động tập trung vào lĩnh vực tưới tiêu, cung ứng vật tư và giống. Ngoài ra, đã thành lập được 28 THT thanh niên góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất và tạo việc làm cho lao động trẻ vùng nông thôn.

Từ việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân, góp phần giảm hộ nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là cải thiện một số tiêu chí nông thôn mới của tỉnh.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn