Phát triển sản xuất theo quy chuẩn GAP - xu hướng cần thiết
Cập nhật ngày: 23/04/2014 12:34:53
Nhằm tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, việc sản xuất thâm canh đã được nông dân áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thực trạng có người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi nhu cầu thị trường hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch.
Sản xuất nông sản theo hướng GAP - đáp ứng nhu cầu của thị trường
Thời gian qua các ngành chức năng đã định hướng cho người dân sản xuất theo GAP. Theo đông đảo bà con nông dân, hiện nay không phải cạnh tranh về số lượng mà là cạnh tranh theo chiều sâu, bằng chất lượng.
Đối với cây lúa, nông dân đã thực hiện các chương trình IPM, ICM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Tỉnh đẩy mạnh xây dựng cánh đồng liên kết, qua đó người dân cũng “bắt tay” trồng lúa theo hướng GAP. Theo nhận định, các mô hình đã giúp cho nông dân giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản. Thời gian qua, Trường Đại học Cần Thơ kết hợp với Sở Khoa học Công nghệ thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường, đến nay có 62,5ha được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm cây có múi (đặc biệt là quýt hồng) cũng là một trong những nông sản thế mạnh của tỉnh. Với sự hướng dẫn của Hội Làm vườn Trung ương, nông dân huyện Lai Vung đã mạnh dạn thực hiện qui trình sản xuất theo VietGAP. Thời gian đầu, công tác này thực hiện khá khó khăn do mô hình mới, đòi hỏi nông dân phải làm theo đúng qui trình. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, mô hình đã giúp người dân giảm phun thuốc BVTV 5-7 lần/vụ, từ đó nông dân có lãi nhiều hơn, làm giàu bằng chính nông sản thế mạnh của mình... Vừa qua, tổ liên kết sản xuất quýt hồng xã Long Hậu được chứng nhận VietGAP, diện tích gần 5ha...
Đối với xoài của địa phương hiện không chỉ có mặt thị trường nội địa mà còn xuất khẩu một số thị trường khó tính. Sản phẩm được cấp mã vùng xuất sang thị trường Newzeland, do sản phẩm đáp ứng được tiêu chí sản xuất theo hướng GAP. Theo thống kê, diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP và vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn là trên 35ha...
Hiện nay, một số công ty của Nhật cũng có nhu cầu xuất khẩu trái xoài sang Nhật vì họ cho rằng xoài địa phương ngon hơn so với sản phẩm cùng loại ở những nước khác.
Đối với một số sản phẩm rau màu, cũng được một số địa phương thực hiện theo hướng GAP như xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Tân Thuận Đông huyện Châu Thành.
Lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là sản phẩm cá tra đã có mặt trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo thống kê, có 225ha được cấp giấy chứng nhận quốc tế như: GlobalGAP, ASC, SQF, BAP...
Nông dân Lưu Văn Tín, xã Long Hậu, người mạnh dạn đưa mô hình GAP vào sản xuất cho hay: “Cũng nhờ mô hình GAP mà những nông dân như chúng tôi ý thức được việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khi lượng thuốc BVTV được dùng hạn chế, tăng cường thuốc hữu cơ, nên không làm suy giảm tuổi thọ của cây”
Nhằm đáp ứng cho nhu cầu mở rộng và phát triển mô hình GAP tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có kế hoạch phát triển mô hình từ nay đến giai đoạn 2020. Về lĩnh vực trồng trọt, sẽ tiếp tục chọn những sản phẩm thế mạnh như lúa, cây ăn trái, rau màu. Cụ thể, đến năm 2020, diện tích thực hiện và chứng nhận VietGAP đối với cây lúa là 2.140ha, cây xoài sẽ là 275ha, nhãn 50ha, cây ớt là 100ha, mè 30ha, rau các loại 40ha.
Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh chưa thực hiện theo hướng GAP nhưng đến 2015 sẽ thực hiện; định hướng đến 2020 hình thành vùng nuôi heo ứng dụng tại huyện Châu Thành, Lai Vung, gia cầm sẽ thực hiện ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát huy những kết quả được và phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% diện tích nuôi ứng dụng theo hướng GAP...
K.D