Tháp Mười
Phong trào nông dân sản xuất giỏi triển khai sâu rộng, hiệu quả
Cập nhật ngày: 07/01/2015 13:49:36
2 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững được các cấp Hội Nông dân huyện Tháp Mười triển khai một cách sâu rộng, thiết thực. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình trồng chanh cho hiệu quả kinh tế cao
Hỗ trợ thiết thực
Xác định việc phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng là động lực thúc đẩy hội viên (HV) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững nên những năm qua, phong trào này được các cấp Hội phát động rộng rãi đến toàn thể HV. Đến nay, toàn huyện có trên 13 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 16% so với năm 2012. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đều có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; đặc biệt có nhiều hộ đạt hàng tỷ đồng/năm. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo động lực cho nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất...
Để giúp HV nông dân có kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, 2 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức những chương trình hội thảo, trình diễn, hướng dẫn cho 50.600 lượt HV về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa trong nông nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; mở 74 lớp dạy nghề nông thôn, giúp HV nâng cao tay nghề trong các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi. Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp phối hợp triển khai thực hiện 54 cánh đồng hiện đại, vận động HV đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, có 100% diện tích làm đất và phun thuốc bằng máy; 95% thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; sản xuất lúa qua sấy đạt 80%...
Bên cạnh việc hỗ trợ tích cực về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân tích cực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng khác tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. 2 năm qua, thực hiện nghị quyết liên tịch với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các cấp Hội hỗ trợ cho trên 5.200 lượt hộ nông dân, vay vốn với lãi suất ưu đãi. Qua chương trình, đã giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với các ngân hàng đầu thực hiện các dự án vay vốn giúp nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chỉ riêng năm 2014 đã vận động nguồn vốn trên 200 tỷ đồng, tăng hơn 84 tỷ đồng so với năm 2012.
Xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với sự hỗ trợ đắc lực của các cấp Hội Nông dân đã mở ra những hướng làm giàu bền vững cho hàng ngàn HV nông dân. Phong trào đã góp phần phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình...
Anh Nguyễn Văn Nữa ở ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền là một trong số những điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Nhờ cần cù lao động, anh Nữa đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Anh kể, trước đây không có đất sản xuất, gia đình anh phải làm mướn nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2010, anh đến nhà người anh chơi, thấy mô hình nuôi ếch cho hiệu quả kinh tế nhưng vốn tương đối thấp nên anh mua 14 con ếch giống sinh sản và 1.000 con ếch thịt nuôi về nuôi thử. Qua 2 tháng thả nuôi, ếch cho lợi nhuận ổn định nên anh tiếp tục mở rộng sản xuất. Để tận dụng nguồn mồi ếch chết, năm 2014, anh đầu tư thêm 200 triệu đồng xây 4 hồ nuôi ba ba sinh sản và 1.500 ba ba con. Không dừng lại ở đó, anh còn học hỏi kinh nghiệm và đầu tư thêm mô hình nuôi lươn không bùn. Nhờ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện về kỹ thuật chăm sóc, đến nay mô hình nuôi lươn của anh Nữa đã thành công lươn đang phát triển tốt, chuẩn bị bán ra thị trường. Từ mô hình đa sản xuất này, mỗi năm gia đình anh Nữa thu nhập trên 500 triệu đồng.
Thực hiện cuộc vận động của địa phương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Văn Tài ở ấp Hưng Lợi, xã Thanh Mỹ cải tạo lại 1ha diện tích đất vườn để thực hiện mô hình trồng chanh. Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, ông Tài tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng chanh hiệu quả, tham gia tập huấn và chọn giống chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Từ đó, vườn chanh của gia đình ông luôn cho hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình này, gia đình ông Tài đạt lợi nhuận từ 100 - 180 triệu đồng/năm.
Còn ông Phạm Văn Phú, ấp 2, xã Đốc Binh Kiều được biết đến là một HV nông dân tích cực, mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Trước thực trạng sản xuất lúa hiệu quả kinh tế chưa cao, cùng với sự vận động của địa phương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ông Phạm Văn Phú đã tìm hiểu và đến huyện Cái Bè (Tiền Giang) mua 150 nhánh nhãn Tiêu Quế về trồng trên 5 công đất, kết hợp đào ao nuôi cá. Tuy nhiên, đến năm 2000 nước lũ lên cao làm ngập vườn, nhãn chết hết. Lỗ nặng, nhưng ông Phú không nản chí, nước rút, ông tiếp tục sang huyện Châu Thành mua 100 nhánh nhãn IDO trồng lại, sau 4 năm nhãn cho thu hoạch 5 tấn, thu được 100 triệu đồng. Và cứ thế, năng suất tăng dần theo từng năm. Với mô hình hình này, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi trên 350 triệu đồng.
Có thể nói, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất của nông dân. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm nghèo bền vững cho nông dân...
MN