Sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ góp phần nâng cao giá trị nông sản

Cập nhật ngày: 08/12/2022 18:36:40

ĐTO - Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thời gian qua, Đồng Tháp thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi cơ cấu giống phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, đặc biệt là nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ. Điều này, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (thứ 2 từ phải sang) thăm trang trại Đồng Tháp Aqua (huyện Lấp Vò)

Thay đổi thói quen sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả vào canh tác như: trồng rau thủy canh ở huyện Cao Lãnh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics ở huyện Lấp Vò; mô hình trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Thanh Bình...

Điểm nhấn của mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá Aquaponics công nghệ cao của anh Nguyễn Tiến Thành ở xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò được áp dụng bằng phương thức sản xuất nông nghiệp thông minh, toàn bộ vụ mùa không phun thuốc trừ sâu hóa học hay sử dụng hóa chất. Thay vào đó, mô hình này sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây rau thủy canh. Hiện, trang trại trồng rau thủy canh có tổng diện tích trên 18.000m2, trồng trên 10 loại rau khác nhau như: cải thảo, xà lách, tía tô, cải bẹ xanh... Mỗi năm, trang trại xuất bán trên 60 tấn rau các loại, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ngoài rau sạch, trang trại còn bố trí nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá chình, cá chạch lấu, cá Koi, lươn...

Theo anh Nguyễn Tiến Thành, hoạt động của hệ thống Aquaponics là giải pháp lý tưởng cho việc xử lý chất thải giàu dinh dưỡng từ nuôi cá và tái sử dụng nó để cung cấp dinh dưỡng cho đời sống thực vật để phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả cao trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Tương tự, để nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, anh Nguyễn Đức Trí ngụ Khóm 1, phường An Bình B, TP Hồng Ngự triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá.

Anh Nguyễn Đức Trí cho biết, nhận thấy việc sản xuất lúa theo cách trước đây, sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật không kiểm soát nên ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, từ vụ đông xuân 2021 - 2022, anh Trí thực hiện mô hình lúa cá trên 5ha ruộng của gia đình. Ngoài ra, anh còn đầu tư làm đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi, chia diện tích ra 2 phần, 1 phần đào ao nuôi cá và 1 phần diện tích để canh tác lúa.

Theo anh Trí, việc nuôi cá và lúa mang lại hiệu quả khá cao. Trong hệ sinh thái đó, cá sẽ ăn sâu bệnh gây hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn diệt cỏ dại. Các chất thải của cá còn có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của đất, giúp cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm qua, Đồng Tháp thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân giảm giá thành trong canh tác, nâng cao chất lượng nông sản. Từ định hướng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện và nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Điểm đáng ghi nhận trong nhiều năm qua là nông dân phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ

Từ những kết quả đạt được, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo sự chuyển biến trong nhận thức cho người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp. Đồng thời phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu thực hiện 9 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, thủy sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1% (khoảng 1.300ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực (lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, hoa kiểng). Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 75ha trên các loài thủy sản chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế (tôm càng xanh, cá sặc rằn, ếch...). Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1,5% (khoảng 3.298ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt 365ha trên các loài thủy sản chủ lực của tỉnh, có giá trị kinh tế. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh định hướng các ngành, địa phương tập trung quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Căn cứ quy hoạch nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ để xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực. Trên cơ sở đó, tiến hành đánh giá đất đai, nguồn nước... để xác định, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung; xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung; ưu tiên kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái.

Bên cạnh đó, tập trung quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, tăng cường quản lý giống cây trồng và thủy sản hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào được sử dụng trong sản xuất hữu cơ như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thủy sản, chất bảo quản, chất phụ gia... Đồng thời thực hiện việc giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm nòng cốt, bố trí làm việc tại tỉnh, mỗi đơn vị cấp huyện phân công ít nhất một cán bộ phụ trách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời tập trung xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ kết hợp với phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn