Sự cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Cập nhật ngày: 11/08/2014 05:43:28

Để hiểu rõ hơn về thực trạng công tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.


Ông Dương Nghĩa Quốc

PV: Vì sao phải xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thưa ông?

Ông Dương Nghĩa Quốc (D.N.Q): Đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản là hình thức pháp lý để bảo vệ danh tiếng của đặc sản. Nếu đặc sản không đăng ký sở hữu trí tuệ thì đương nhiên không có công cụ pháp lý để bảo vệ đặc sản đó, dẫn đến một số hậu quả như: các đặc sản dần dần bị mai một không giữ được hoặc bị lạm dụng danh tiếng mà phát triển một cách tràn lan, giả mạo; khi bị giả mạo thì sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, nguy cơ bị mất danh tiếng của đặc sản là hoàn toàn có thể xảy ra; không khuyến khích được sản xuất nông nghiệp, những nhà sản xuất trực tiếp không có cơ hội để hoàn thiện quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, xuất hiện các hành vi ép giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến doanh thu bị giảm mạnh, đời sống bấp bênh...; các doanh nghiệp thương mại thì thiếu nguồn hàng có chất lượng và xuất xứ rõ ràng, dẫn đến kinh doanh đơn điệu, thiếu bền vững... Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản là việc làm hết sức cần thiết.

PV: Xin ông cho biết thực trạng hoạt động đăng ký nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông D.N.Q: Những năm qua số lượng đơn nộp và văn bằng các đối tượng sở hữu công nghiệp của tỉnh Đồng Tháp được cấp không ngừng tăng lên và chiếm vị trí cao so với cả nước và đồng bằng sông Cửu Long (nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp tổng cộng 114, đứng thứ 3/13 tỉnh ĐBSCL) trong đó tập trung nhiều ở các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm. Tính đến cuối tháng 6/2014, tỉnh đã có 8 sản phẩm được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 3 nhãn hiệu chứng nhận gồm Quýt hồng Lai Vung (huyện Lai Vung), Kiệu Hội An Đông, Khoai môn Mỹ An Hưng (huyện Lấp Vò) và 5 nhãn hiệu tập thể là Xoài Cát chu Cao Lãnh, Xoài Cao Lãnh (huyện Cao Lãnh), Cá tra giống huyện Hồng Ngự, Ớt Thanh Bình (huyện Thanh Bình), Khô cá lóc Tràm Chim (huyện Tam Nông). Cùng với đó, 4 nhãn hiệu đã nộp hồ sơ đề nghị công nhận gồm Sen Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc, Tôm càng xanh Tam Nông, Lúa giống Mỹ Trà (thành phố Cao Lãnh). Ngoài ra, tỉnh đã đăng ký 3 nhãn hiệu bảo hộ ra nước ngoài gồm: sen ở Đài Loan, quýt hồng ở Campuchia và xoài Cao Lãnh ở Trung Quốc.

PV: Cái khó trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm có nhãn hiệu hiện nay là gì?

Ông D.N.Q: Về cơ bản, các sản phẩm sau khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu (CNNH) đã tạo được sự chú ý nhất định của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua xác định địa danh, xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mặc dù các sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu, nhưng giá cả và sự phát triển của chúng trên thị trường chưa thật sự rõ nét. Nguyên nhân là do các địa phương chưa có kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm một cách toàn diện, thông qua giải pháp công nghệ và tiếp thị bài bản. Nếu làm được điều này sẽ định hình một tiêu chuẩn nông sản đặc trưng, khẳng định sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; liên kết “bốn nhà” chưa chặt chẽ...

PV: Ông cho biết những giải pháp để doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa?

Ông D.N.Q: Để đẩy mạnh họat động khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, thì mấu chốt vẫn là tạo lập được hành lang pháp lý đủ mạnh để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Có nghĩa là, làm sao để doanh nghiệp, hợp tác xã thấy được lợi ích của công tác này. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với việc đăng ký nhãn hiệu, đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực, trực tiếp cho các doanh nghiệp, địa phương lựa chọn và tiến hành đăng ký bảo hộ thông qua chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nhằm tránh tình trạng các sản phẩm đặc sản của tỉnh bị mai một. Riêng đối với các sản phẩm có nhãn hiệu, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan triển khai các đề tài, kế hoạch về sản xuất liên quan đến giống, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, đăng ký tham gia các hội chợ, hội thi nhằm giới thiệu nông sản ở thị trường trong và ngoài nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Nhân (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn