Tận dụng và thực thi Hiệp định RCEP đầy đủ và hiệu quả
Cập nhật ngày: 17/02/2022 10:17:26
ĐTO - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), là hiệp định thương mại tự do được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân) ký kết vào ngày 15/11/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tỉnh đề ra giải pháp tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả hiệp định cho các đối tượng liên quan, trong đó chú trọng các đối tượng có thể chịu tác động như: nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN),...; tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN về một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ,... bảo đảm các DN và các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc tận dụng và thực thi hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.
Chế biến cá tra xuất khẩu - một trong những thế mạnh của tỉnh
Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh đảm bảo phù hợp với lộ trình cam kết của hiệp định; xây dựng, thực hiện các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị cho các DN, đặc biệt là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi hiệp định... Đồng thời tập trung cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ mội trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế...
TN