Tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Cập nhật ngày: 07/01/2017 06:49:21

ĐTO - Toàn tỉnh hiện có 3.209 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 3.052 cơ sở sản xuất, 157 cơ sở kinh doanh. Hầu hết các cơ sở thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, tập quán sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, thủ công là chủ yếu. Trong đó, có 2 nhóm mặt hàng có nguy cơ ô nhiễm cao là rượu, bột và các sản phẩm từ bột (bún, bánh phở, hủ tiếu...). Từ đầu năm 2016 đến quý III/2016, Sở Công Thương đã chủ động và tham gia phối hợp đoàn liên ngành kiểm tra 1.336 cơ sở ăn uống, kinh doanh thịt heo, tạp hóa. Qua đó, nhắc nhở 166 vụ kinh doanh điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo, chưa khám sức khỏe định kỳ và chưa có giấy chứng nhận cập nhật kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); lập biên bản 23 vụ vi phạm với các lỗi như: thực phẩm có kết quả dương tính với hàn the, có mùi hôi, mốc, thực phẩm quá hạn sử dụng, nguyên liệu nấu lẩu nhập lậu, chả lụa không ghi ngày sản xuất; phạt tiền 10 vụ, với tổng số hơn 9 triệu đồng.


Quầy bán rau an toàn tại chợ Tháp Mười

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ động và tham gia phối hợp đoàn liên ngành kiểm tra 549 vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống trên địa bàn; lấy 94 mẫu test nhanh methanol, dầu mỡ khét, phẩm màu, hàn the; lấy 4 mẫu bánh đưa kiểm nghiệm. Qua kiểm tra, nhắc nhở 107 cơ sở kinh doanh chưa thực hiện các thủ tục ATTP theo quy định, giấy khám sức khỏe hết hạn; lập biên bản 12 vụ kinh doanh thực phẩm không có giấy khám sức khỏe, không có chứng nhận kiến thức ATTP theo quy định, không trang bị thiết bị khử trùng khu vực chế biến, hàng hóa quá hạn sử dụng; phạt tiền 7 vụ, với tổng số hơn 12 triệu đồng.

Tạo điều kiện, khuyến khích các hộ chế biến, kinh doanh sản phẩm an toàn, từ năm 2013 đến tháng 10/2016, Sở Công Thương cùng các ngành liên quan đã tổ chức thẩm định thực tế, cấp 543 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tổ chức 12 lớp truyền thông giáo dục về ATTP, có khoảng 1.620 lượt người tham dự. Sở Công Thương đã xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình chợ đảm bảo ATTP ở thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, cửa hàng chuyên doanh rau, củ, quả an toàn ở một số huyện, thị xã, thành phố bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản sạch, có kiểm soát, có nguồn gốc. Chị Nguyễn Thị Hạnh - nhân viên quầy bán rau an toàn chợ Tháp Mười cho biết: “Quầy rau mở từ 5 giờ đến 18 giờ. Mỗi ngày, người dân đến cửa hàng mua khoảng trên 100kg rau, củ quả sạch”.

Giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương tiếp tục các hoạt động nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm vệ sinh ATTP, thực hiện mục tiêu 100% chủ cơ sở, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý có kiến thức và thực hành đúng; 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; xây dựng và triển khai ít nhất 2 mô hình chợ thí điểm về ATTP; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động chọn, sử dụng thực phẩm tốt, an toàn...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn