Tập trung các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp
Cập nhật ngày: 03/06/2015 13:31:24
Để Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh thành công, trong thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, tỉnh còn đẩy mạnh xây dựng các chuỗi ngành hàng, triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, thu hút hợp tác đầu tư...
Sản xuất hoa kiểng gắn với phát triển du lịch
Xây dựng các chuỗi ngành hàng
Năm 2014, toàn tỉnh đã triển khai cánh đồng liên kết với diện tích 86.630ha, chiếm 16,5% tổng diện tích sản xuất lúa cả năm. Trong vụ đông xuân năm nay, Đồng Tháp thực hiện xây dựng 30.654ha cánh đồng liên kết. Các hộ nông dân sản xuất trong các cánh đồng liên kết cho biết, với sự hướng dẫn của doanh nghiệp trong canh tác góp phần giảm giá thành sản xuất lúa từ 650 - 700 đồng/kg, nâng lợi nhuận lên từ 22-23 triệu đồng/ha/vụ. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và việc chủ động bơm tưới giúp nông dân tiết kiệm chi phí được 4,3 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng khâu phơi sấy, nông dân đã tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa.
Đối với ngành hàng xoài, tỉnh đã xây dựng mô hình canh tác xoài an toàn, sản xuất xoài rải vụ với tổng diện tích 50ha. Ngoài việc tiết kiệm được gần 6 triệu đồng/ha thì chất lượng sản phẩm từng bước tăng lên, góp phần vào việc đưa nông sản của địa phương đến gần với thị trường ngoài nước.
Ngành hàng hoa kiểng từng bước mang lại kết quả với định hướng sản xuất gắn với phát triển du lịch. Thời gian qua, ngoài việc đầu tư xây dựng Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng đầu tư 33,6 tỷ đồng, địa phương còn xây dựng mô hình sản xuất hoa kiểng, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để kết hợp với tham quan du lịch tại TP.Sa Đéc. Ngành hàng vịt được đánh giá là chậm so với các ngành hàng trong đề án. Với bước đầu thực hiện, tỉnh tiến hành điều tra tình hình chăn nuôi trên địa bàn, củng cố mạng lưới thú y cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý và giám sát dịch bệnh tại địa phương. Ngoài ra, tỉnh thực hiện nghiêm việc tiêm phòng cho đàn vịt nuôi, theo dõi tình hình vịt chạy đồng và tổ chức các hội thảo tìm giải pháp phát triển ngành hàng vịt.
Cá tra là một trong những sản phẩm mũi nhọn kinh tế của địa phương. Triển khai thực hiện đề án, tỉnh tập trung tiến hành rà soát và quy hoạch chi tiết về diện tích nuôi, khâu chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh. Để giúp sản phẩm này phát triển bền vững, tỉnh tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giống cá tra, hỗ trợ nông dân thực hành nuôi thủy sản tốt theo VietGAP và thí điểm thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi cá tra tại huyện Châu Thành gắn với liên kết theo chuỗi giá trị để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần có sự đồng hành của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình cho vay thí điểm 2 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cá tra và lúa gạo. Đến nay, Công ty TNHH Hùng Cá đã giải ngân 1.178/1.407 tỷ đồng. Bên canh đó, Công ty Thương mại XNK Lộc Anh đang triển khai thí điểm mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo với nguồn vốn vay 980 tỷ đồng tại 3 HTX Tân Tiến, Tân Cường và Phú Bình.
Song song đó, tỉnh tiến hành thí điểm chính sách hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân khi vay vốn thuê đất, tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trên 3ha và san bằng mặt ruộng. Đã triển khai tại các HTX Tân Cường, Tân Tiến và Phú Bình của huyện Tam Nông, bước đầu có 28 hộ tham gia với tổng diện tích mở rộng gần 130ha. Ngoài ra, tỉnh đang theo dõi mô hình tích tụ ruộng đất tự phát theo dòng tộc gia đình tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông và HTX Đức Huệ, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười.
Phát triển và thu hút đầu tư là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của đề án. Thời gian qua, khâu này được tỉnh đẩy mạnh bằng việc ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Phát triển nông nghiệp - nông thôn Hàn Quốc về việc thực hiện dự án hợp tác Công tư trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, quy mô 28.000ha. Đồng Tháp còn hợp tác với tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) trong phát triển nông nghiệp, hợp tác đầu tư nghiên cứu sản xuất hoa kiểng với Hà Lan, Chương trình hợp tác với FAO...
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, dù chưa mang lại kết quả lớn nhưng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp từng bước nhận được sự đồng hành cao, đặc biệt là người nông dân. Theo UBND tỉnh, trong năm 2015, tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tập trung vào 7 nội dung và giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh tập trung xây dựng hoàn thiện đề án chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và cá tra; tiếp tục triển khai xây dựng đề án chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng, xoài; đánh giá nhân rộng các mô hình giảm giá thành nông sản, xác định các mô hình điểm HTX.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới thể chế, tổ chức sản xuất nông nghiệp và chính sách nông nghiệp; tiếp tục công tác kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư, xúc tiến thương mại thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, tập trung nội dung triển khai chương trình hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tổ chức FAO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác; tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, tập trung vào công tác đào tạo cán bộ hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, triển khai các mô hình HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại Châu Thành, Tam Nông và Tháp Mười và đẩy mạnh giải pháp định hướng phân bố lại lao động nông thôn...
K.D