Tập trung phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, giai đoạn 2021 – 2025
Cập nhật ngày: 22/08/2022 19:04:03
ĐTO - Chiều ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chủ trì Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Kết luận số 245-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị trực tuyến đến 3 huyện khu vực biên giới gồm: Tân Hồng, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự.
Quang cảnh hội nghị
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, việc mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới giữa tỉnh Đồng Tháp và tỉnh PrayVeng (Vương quốc Campuchia) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá. Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá qua biên giới ước đạt 158 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 47 triệu USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021); giá trị nhập khẩu ước đạt 111 triệu USD (tăng 96% so với cùng kỳ năm 2021).
Tình hình sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới tiếp tục phát triển theo hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm. 6 tháng đầu năm, tổng diện tích lúa ở khu vực biên giới đạt hơn 41 ngàn hecta, sản lượng ước đạt gần 295 ngàn tấn. Tỷ lệ lúa chất lượng cao cả năm 2022 ước đạt 68,7%, tổng sản lượng, tăng 13,24% so với năm 2020, tăng 9,6% so với năm 2021. Sản lượng thủy sản nuôi trồng khu vực biên giới trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 116 ngàn tấn.
Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ, phát triển. Khu vực biên giới có 38 hợp tác xã, trong đó, có 33 hợp tác xã nông nghiệp; có 146 tổ hợp tác, trong đó, có 113 tổ hợp tác nông nghiệp. Thời gian qua, triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022, đến nay, tại các huyện, thành phố biên giới có 33 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Ước tính đến hết năm 2022, có thêm 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nâng tổng số lên 64 sản phẩm OCOP.
Đến nay, chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới khu vực biên giới đạt nhiều kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm, khu vực biên giới có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm nay, thêm 2 xã được công nhận, nâng tổng số lên 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, hệ thống đô thị khu vực biên giới từng bước đạt các tiêu chí đô thị theo quy định của pháp luật và theo lộ trình. Trong đó, hoàn thành và đưa vào triển khai Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) tại Quyết định số 13/QĐ-UBND.HC ngày 07/01/2022; phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập Đề án đề nghị công nhận khu Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự đạt tiêu chí đô thị loại V tại Quyết định số 398/QĐ-UBND.HC ngày 21/4/2022. Dự kiến đến cuối năm 2022, Khu cửa khẩu Quốc tế Thường Phước được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V.
Thời gian qua, hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khu vực biên giới. Đồng thời, công tác đào tạo nghề được chú trọng; tỷ lệ lao động qua đào tạo gia tăng tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo. Cùng với đó, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân có môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh góp phần nâng cao thể chất, tinh thần…
TP Hồng Ngự được xác định là đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới của tỉnh, góp phần kết nối giao thương, đối ngoại giữa Việt Nam với Vương quốc Campuchia
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn đề nghị các sở, ngành tỉnh và địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận số 245-KL/TU, khắc phục những hạn chế tồn tại. Cùng với đó, đề nghị các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh các kiến nghị, giải pháp phù hợp với các nội dung về tầng cao xây dựng, cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực biên giới, nâng cấp cửa khẩu biên giới. Đồng thời, đề nghị các địa phương khu vực biên giới định kỳ báo cáo về triển khai dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn...
KHÁNH PHAN