Tập trung toàn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023

Cập nhật ngày: 08/03/2023 17:59:37

ĐTO - Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) tại cuộc họp mở rộng Quý I Ban Chỉ đạo, vào ngày 8/3.


Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tỉnh đánh giá kết quả thực hiện các chương trình: xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững năm 2022, chương trình OCOP…

Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, năm 2022, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2022, toàn tỉnh có 103 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 89,56%). Trong năm 2023, Đồng Tháp phấn đấu có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là: Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành. Phấn đấu có thêm 18 xã đạt NTM nâng cao, 2 xã đạt NTM kiểu mẫu.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,96%, từ 3,13% đầu năm xuống còn 2,17% theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ – CP của Chính phủ (đạt vượt 240% so với chỉ tiêu Chính phủ giao tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4%/năm). Dự kiến năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4%, từ 2,17% xuống còn 1,77% theo chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định, góp phần tăng thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2023 tăng 1,3 lần so với cuối năm 2020.

Về phát triển kinh tế tập thể, trong năm 2022, tỉnh tuyên truyền, vận động thành lập mới được 9 HTX (7 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp), vượt 29% kế hoạch năm 2022 (Kế hoạch là 7 HTX); giải thể 3 HTX nông nghiệp không hoạt động, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1.000 THT, doanh thu bình quân 255 triệu đồng/THT. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có trên 200 HTX với 56.241 thành viên, vốn điều lệ gần 305 tỷ đồng, vốn hoạt động 1.086 tỷ đồng. Trong năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển mới ít nhất 10 HTX theo Chương trình hành động của UBND tỉnh.

Trong năm 2022, toàn tỉnh có 156 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, trong đó có 115 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao. Đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (82 sản phẩm đạt 4 sao và 275 sản phẩm đạt 3 sao). Hiện tỉnh có 4 sản phẩm OCOP tiềm năng đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Trong năm 2023, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu có ít nhất 50 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; có ít nhất 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao OCOP đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia.

Thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2022 giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 47.320 tỷ đồng, bằng 100,02% kế hoạch năm và tăng 3,82% so năm 2021 (tương ứng tăng 1.742 tỷ đồng). Ước giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 20.520 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông - lâm - thủy sản ước đạt 3,52%.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương cần tập trung rà soát, thực các nhiệm vụ được giao. Đối với từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, các ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng.

Về kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu các địa phương xem xét, rà soát lại từng nhóm tiêu chí cụ thể nhằm có kế hoạch hành động phù hợp. Các địa phương có lộ trình xây dựng huyện NTM cần phấn đấu hết sức, vận động linh hoạt các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu.

Đối với thực hiện Chương trình OCOP năm 2023, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu cần tập trung quan tâm nhiều đến tiêu chí chất lượng hơn là đẩy mạnh phát triển số lượng. Đối với việc hỗ trợ nâng sao cho các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương cần lựa chọn và hỗ trợ mô hình trọng tâm, trọng điểm.  Trong nhiệm vụ thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2023, ngành nông nghiệp cần xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng nhóm ngành hàng, các nhiệm vụ phải tập trung và chuyên sâu hơn.

Đối với công tác giảm nghèo bền vững, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương cần thực hiện sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn để công tác này đạt hiệu quả, bền vững…

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn