Thành phố Cao Lãnh phát triển kinh tế hợp tác

Cập nhật ngày: 05/06/2013 06:11:05

Hiện thành phố Cao Lãnh (TPCL) có 37 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp... với gần 800 tổ viên, tổng số vốn sản xuất kinh doanh hơn 3 tỷ 600 triệu đồng.

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung kinh tế tập thể của thành phố phát triển chậm so với yêu cầu, hoạt động THT còn đơn điệu. Trước tình hình này, một trong 2 nhiệm vụ đột phá được Ban chấp hành Đảng bộ TPCL khóa VII chọn thực hiện trong năm 2013 là chỉ đạo xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng và củng cố THT, hợp tác xã (HTX).


Ảnh minh họa

Được thành lập từ tháng 3/2009 đến nay, THT tác đan lục bình ấp Tịnh Mỹ - xã Tịnh Thới do chị Nguyễn Thị Hương làm tổ trưởng hiện có 50 thành viên. Tất cả các chị đều rất thạo nghề, kỹ thuật đan sản phẩm đạt yêu cầu đẹp và chất lượng, thu nhập mỗi tháng từ 1,2 - 1,6 triệu đồng. Ngoài ra, còn có trên 60 chị em khác trong xã cũng được chị Nguyễn Thị Hương dạy nghề và giao sản phẩm đan gia công không thường xuyên, mỗi chị có mức thu nhập hàng tháng từ 500 ngàn đồng - 1 triệu đồng.

Khi mới thành lập chỉ có 10 tổ viên thì đến nay đã vượt qua con số 100, hiệu quả của THT này là tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, không phải qua nhiều trung gian giao nhận hàng nên mức thu nhập của chị em đạt cao.

Ở ấp Hòa Long, xã Hòa An, THT liên kết sản xuất xoài an toàn theo hướng VietGap cũng thu hút đông đảo nhà vườn tham gia. Từ 14 thành viên liên kết sản xuất 6ha, năm nay đã phát triển thêm 15 thành viên mở rộng diện tích 13,5ha. Hàng tháng tổ duy trì sinh hoạt định kỳ để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn và ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hùn vốn tương trợ, tạo mối gắn kết giữa các nhà vườn, từng bước xây dựng thương hiệu hướng tới sản xuất sản phẩm đạt chất lượng và mang tính an toàn.

Từ hoạt động của 2 THT này, có thể thấy loại hình kinh tế tập thể đã góp phần mang lại hiệu quả trong công tác giảm nghèo, tăng thu nhập cho từng hộ gia đình. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, các THT này hoạt động còn đơn điệu, chưa hiệu quả. Những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thiếu vốn và thiếu cả kinh nghiệm trong công tác quản lý đã làm cho kinh tế tập thể của thành phố phát triển chậm so với yêu cầu, chưa có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá, còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa kịp thời khắc phục.

Năm 2013, TPCL tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, HTX trên địa bàn; chú trọng đến các THT hoạt động ổn định, có tài sản, có góp vốn, góp sức tạo nhiều việc làm, thu nhập cho các thành viên và người lao động như: HTX lúa giống Mỹ Trà, THT rau an toàn xã Hòa An, Tổ xoài VietGap xã Tân Thuận Tây, các THT thủ công mỹ nghệ... Một trong những giải pháp được chú trọng là nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu sản xuất, đời sống của các tổ viên; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ kinh tế tập thể cho các HTX, THT trên địa bàn thành phố.

Việc thành lập THT sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của địa phương có thể phát triển, hạn chế sản xuất kinh doanh manh mún, THT là nơi có thể tập trung một khối lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường và đầu ra sẽ được giải quyết tốt hơn.

Thu Hằng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn