Thắp lửa đam mê khởi nghiệp trong thanh niên, nông dân

Cập nhật ngày: 09/09/2022 18:37:18

ĐTO - Sáng ngày 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thăm các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn TP Cao Lãnh.


Hai chị em Huỳnh Thị Thanh Nhàn và Huỳnh Thị Thì Nhớ giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về quy trình trồng nấm khép kín

Với kiến thức tích lũy được từ giảng đường đại học và kinh nghiệm làm việc tại TP Hồ Chí Minh, hai chị em Huỳnh Thị Thanh Nhàn (28 tuổi) và Huỳnh Thị Thì Nhớ (26 tuổi), xã Hòa An quyết định trở về quê để khởi nghiệp với mô hình trồng nấm. Cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia bắt đầu hình thành từ năm 2020. Hiện nay, diện tích nhà trồng nấm khoảng 500m2, từ khâu tạo meo, phôi đến trồng thành phẩm đều được hai bạn trẻ thực hiện thành thạo. Các loại nấm được trồng là nấm bào ngư xám, nấm bào ngư Nhật, nấm hoàng đế, nấm hoàng kim, nấm chân dài. Bình quân mỗi tháng,  cơ sở cho ra thị trường khoảng 2 tấn nấm tươi.

Qua trao đổi, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hai chị em về mở rộng quy mô vừa sản xuất phôi vừa trồng nấm thương phẩm để cung cấp cho thị trường nhưng lại thiếu vốn đầu tư, trang thiết bị máy móc, mặt bằng, bao bì... Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị chính quyền địa phương, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tích cực hỗ trợ để phát triển mô hình trồng nấm này.

Trở lại với Nhân Tân hội quán tại xã Tân Thuận Tây (Lần đến thăm Hội quán gần nhất là tháng 5/2021), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa bất ngờ với sự thay đổi tích cực của mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng tại đây.

Mô hình du lịch cộng đồng được ông Lê Thành Nhân (60 tuổi) - Chủ nhiệm Nhân Tân hội quán (xã Tân Thuận Tây) thực hiện từ năm 2020 với các dịch vụ trải nghiệm tại vườn xoài, ẩm thực đồng quê, bắt cá, tắm mưa... Nhận thấy hoạt động chưa thu hút được nhiều du khách nên gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng xoài sang trồng các loại cây ăn trái khác, đặc biệt là nho (2.000m2), dâu, trồng xen bòn bon trong vườn xoài.

Vườn nho trồng đến nay được 4 tháng. Nho không chỉ được trồng theo giàn, theo luống mà còn được trồng trong chậu, trồng nho thân gỗ, tạo hình bonsai để nâng cao giá trị. Hiện nay, tại xã Tân Thuận Tây đang thực hiện mô hình trồng xoài sử dụng phân hữu cơ kết hợp du lịch, với diện tích 6,5ha, trong đó có 0,5ha xoài của gia đình ông Lê Thành Nhân. Điều đặc biệt là trên mỗi cây xoài được ghép nhiều giống xoài khác nhau để chủ động cây giống khi cần chuyển đổi sang giống xoài khác và có thể luân phiên khi xử lý cho ra trái.

Theo ông Lê Thành Nhân, làm du lịch từ cây ăn trái phải có nhiều loại loại cây khác nhau, giống đặc sản mới lạ mới thu hút được du khách. Các dịch vụ gia đình ông dự định phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới là tham quan, chụp ảnh tại vườn nho, vườn xoài, cho cá ăn, thưởng thức các món đặc sản vùng quê và các loại trái cây đặc sản khác trong vườn…


Ông Lê Thành Nhân hướng dẫn 
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa  và lãnh đạo các sở, ngành tham quan vườn nho

Tại chuyến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tinh thần chủ động tìm tòi, học hỏi để chuyển đổi cây trồng của ông Lê Thành Nhân, nhất là giống cây trồng mới trên thổ nhưỡng của tỉnh Đồng Tháp. Có thể nói, đây là tấm gương điển hình trong phát huy tính tự chủ của nông dân và phát huy được hiệu quả hoạt động của mô hình hội quán.

Ông Phạm Thiện Nghĩa tin tưởng vào sự thành công của mô hình. Đồng thời, đề nghị các ngành chuyên môn cần tạo điều kiện để các mô hình phát triển, trong đó có đánh giá về đất đai, khí hậu thích hợp đối với những loại cây trồng mới để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện…

NGUYỆT ÁNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn