Tháp Mười: Hoạt động công nghiệp phát triển

Cập nhật ngày: 01/02/2013 05:23:01

Thời gian qua, công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp luôn được huyện Tháp Mười quan tâm đẩy mạnh. Huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, bước đầu tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư và ngày càng có nhiều dự án công nghiệp trên địa bàn huyện.


Nhiều Công ty góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp phát triển từ rất sớm. Ban đầu, các cơ sở này chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương trong các hoạt động tưới tiêu. Càng về sau, các cơ sở cơ khí trên địa bàn huyện cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ nông nghiệp tiên tiến hơn.

Anh Nguyễn Chí Trung (cơ sở cơ khí Thành Nhơn - huyện Tháp Mười) cho biết: “Để đáp ứng tốt nhu cầu hiện đại hóa của nông dân, cơ sở đã cải tiến những chiếc máy cày, máy xới thế hệ cũ thành những chiếc máy hiện đại hơn, ứng dụng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân”.

Cách nay hơn 3 năm, cơ sở cơ khí Phan Tấn (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) đã giới thiệu đến bà con nông dân chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên. Đến nay, cơ sở Phan Tấn đã cung cấp ra thị trường hơn 500 máy gặt đập liên hợp. Cơ sở nhận được sự đánh giá rất cao từ phía chính quyền địa phương và người sử dụng. Chủ cơ sở này cho biết, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương thì việc sát cánh cùng nông dân để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đã tạo động lực để cơ sở đi lên, tạo được uy tín như ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, sự ra đời của xí nghiệp may Tháp Mười thuộc Công ty CP Sao Mai đã góp phần tích cực trong việc hướng đến giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương. Mặc dù qui mô của xí nghiệp không lớn, thu hút lượng lao động chỉ gần 200 người, nhưng qua đó cho thấy hướng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bằng việc thu hút các dự án sản xuất các ngành hàng may mặc là hướng đi mới của địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Minh (Quản đốc Xí nghiệp may Tháp Mười - Công ty CP Sao Mai) cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng nhà xưởng, hỗ trợ về dạy nghề, nên Công ty hoạt động rất thuận lợi. Đến nay, Công ty đã phát triển ổn định với sản lượng khoảng 37.000 sản phẩm mỗi tháng, doanh thu hơn 40.000 đôla từ hoạt động may gia công các mặt hàng xuất khẩu...”


Chế tạo máy gặt đập liên hợp tại cơ sở cơ khí Phan Tấn

Ngoài ra, để hướng đến mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cây lúa bằng việc thu hút các dự án chế biến lúa gạo đến đầu tư, huyện Tháp Mười đã quy hoạch Cụm công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân. Cụm công nghiệp này có qui mô hàng chục hécta, với địa thế thuận lợi cả về đường thủy lẫn đường bộ, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Hiện tại, Công ty TNHH Một thành viên kinh doanh và xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên đến từ tỉnh Long An đang triển khai thi công dự án, đưa vào sản xuất trong năm nay.

Ông Đinh Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười nói: Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện rất cao, số lao động nông nhàn trong năm rất lớn. Trước thực trạng này, huyện có chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào những lĩnh vực có sử dụng nhiều lao động. Đáp ứng được yêu cầu này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến huyện đầu tư với số lượng công nhân trên 3.000. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và giảm nghèo trên địa bàn huyện. Hướng tới, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ để phục vụ việc khai thác tốt hơn sản xuất nông nghiệp và trên cơ sở đó để phát triển công nghiệp.

Thời gian tới, khi tuyến quốc lộ N2 thông thương, tuyến tỉnh lộ 837, 846 được mở rộng và các tuyến giao thông thủy được kết nối. Hệ thống giao thông thuận lợi sẽ góp phần tạo điều kiện để Tháp Mười trở thành một trong những trung tâm về phát triển công nghiệp của tỉnh.

T. Luân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn