Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các sản phẩm nông sản là hết sức cần thiết

Cập nhật ngày: 30/01/2013 06:09:49

Nhân sự kiện Đồng Tháp có 4 sản phẩm nông sản gồm: Xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, ớt Thanh Bình và cá tra giống Hồng Ngự được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, phóng viên Báo Đồng Tháp đã phỏng vấn bà Lê Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về các chính sách hỗ trợ cũng như việc quản lý, phát triển nhãn hiệu của các sản phẩm nông sản này.


Bà Lê Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ

PV: Xin bà cho biết việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của sản phẩm?

Bà Lê Thị Bích Thủy: Ngày nay, trong nền kinh tế cạnh tranh, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp là rất cần thiết và quan trọng. Một trong các yếu tố làm nên thương hiệu của doanh nghiệp chính là nhãn hiệu, logo của doanh nghiệp.Vì thế, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là hết sức cần thiết.

Đây là cơ sở để tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình. Trên cơ sở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu có thể khai thác được lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình như: sử dụng nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu... Đồng thời, nó còn là căn cứ để chống lại những hành vi xâm phạm quyền sử dụng nhãn hiệu.

PV: Những chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với các sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ?

Bà Lê Thị Bích Thủy: Đối với các sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu nói chung và các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh nói riêng, được xem xét, hỗ trợ kinh phí đăng ký theo nội dung Quyết định số 11/2008/QĐ-UBND ngày 1/4/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

PV: Việc quản lý và phát triển nhãn hiệu của sản phẩm nông sản sau khi được cấp văn bằng đang là một vấn đề khó đối với chủ sở hữu nhãn hiệu. Với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) thì Sở Khoa học và Công nghệ có giải pháp nào để giải quyết vấn đề trên?

Bà Lê Thị Bích Thủy: Với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất một số công việc mà chủ sở hữu nhãn hiệu và chính quyền địa phương cần quan tâm:

Đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, các thành viên hợp tác xã thực hiện nghiêm Quy chế đã xây dựng. Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất theo hướng an toàn nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong nước mà vươn ra thị trường nước ngoài từ chất lượng và uy tín của sản phẩm.

Chính quyền địa phương hỗ trợ và chỉ đạo ngành có liên quan tại địa phương để hỗ trợ các chủ sở hữu xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu phối kết hợp giữa doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học nhằm giữ vững chất lượng sản phẩm nông sản, tạo lợi nhuận tối đa cho các sản phẩm hiện có.

PV: Hướng hỗ trợ đối với các sản phẩm chờ cấp bằng cũng như các sản phẩm chuẩn bị lập hồ sơ đăng ký như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Thị Bích Thủy: Sở khoa học và Công nghệ là đơn vị đầu mối trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nhãn hiệu một số sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh. Do đó, Sở sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm tham gia trong Chương trình như theo dõi quá trình xem xét hồ sơ của các sản phẩm chờ cấp bằng, hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký cho các sản phẩm còn lại và bổ sung mới của Chương trình...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Mỹ Nhân
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn