Theo người dân đầu nguồn bắt cá chạch
Cập nhật ngày: 26/10/2021 10:57:07
ĐTO - Mùa nước nổi ở miền Tây với muôn kiểu đánh bắt cá. Nếu đầu mùa, người dân khai thác cá linh thì thời điểm đỉnh lũ, cá chạch mới là sản vật có giá trị kinh tế. Bằng kinh nghiệm sống chung với mùa nước nổi, mỗi loài thủy sản sẽ có cách đánh bắt khác nhau.
Vợ chồng ông Lê Văn Dũng đánh bắt cá chạch trên cánh đồng xã Thường Thới Hậu A
Trên chiếc xuồng nhỏ, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga và ông Lê Văn Dũng ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự chuẩn bị trên 30 tay lưới để đánh bắt cá chạch. Mấy mươi năm gắn bó với nghề, mỗi khi nước tràn đồng, vợ chồng bà Nga lại tiếp tục việc mưu sinh, bởi công việc này giúp gia đình bà trang trải được chi phí trong những tháng kết thúc hai vụ lúa. Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Mùa nước nào cũng giăng lưới. Nhà tôi có 30 tay lưới. Đi giăng mùa này, mình trông đợi dính con cá chạch, vì bán có tiền nhiều. Một ký cá chạch bán được 160 ngàn đồng. Ngày kiếm chừng hai ký là sống khỏe”. Theo ông Lê Văn Dũng nói: “Cá chạch là loại sống sát dưới đất bùn. Nó ăn loại côn trùng dưới đất. Bởi vậy, giăng lưới cá chạch phải buộc chì và buông lưới cho chìm sát đất. Cá chạch lủi theo đất và dính vào lưới”.
Trên cánh đồng biên giới xã biên giới Thường Thới Hậu A, những ngày này, nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản bắt đầu hoạt động nhộn nhịp hơn. Bà con phấn khởi khi đang vào đỉnh lũ, nguồn thủy sản mùa nước nổi về nhiều và lớn hơn. Mùa nước được xem là mùa “ăn nên làm ra” của người dân miền Tây. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh, mọi sinh kế đều bị ảnh hưởng nên bà con càng phấn khởi hơn trong những ngày đánh bắt mang về thu nhập khá.
Từ những loại ngư cụ như đặt dớn, thả lưới, đặt lọp đến kéo lưới trên đồng, sau mỗi chuyến đánh bắt, bà con thu về vài ký đến vài chục ký cá. Thương lái thu mua từ vài chục ngàn đến trên 100 ngàn đồng 1kg, Trong đó, cá chạch là một trong những loại có giá trị kinh tế cao. Đáng trân trọng là cách bà con san sẻ cùng nhau địa bàn đánh bắt, chia sẻ thức ăn, nước uống trong những chuyến ra đồng. Bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm: “Ở đây toàn người trong xóm rủ nhau đi giăng lưới. Không có bà con gì đâu, nhưng coi nhau như anh em ruột, rất là thân. Giăng chỗ nào có cá nhiều là lại rủ nhau đến đó bủa lưới. Mình khó khăn nên phải đùm bọc nhau sống”.
Chia tay với các cô, chú - những người lạ mới quen nhưng ít nhiều bịn rịn. Mong cho những chuyến đánh bắt của bà con mang về nhiều tôm cá để cuộc sống đỡ phần vất vả hơn. Và những ruộng đồng được bồi đắp phù sa, nuôi cây lúa cho vụ xanh mùa mới.
Minh Thi