Tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Cập nhật ngày: 28/02/2022 05:49:32
ĐTO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Hội thảo có sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, các đơn vị thực hiện chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Lúa gạo là ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Đến năm 2021, diện tích lúa gieo trồng hàng năm gần 504.300ha, sản lượng ước đạt 3,3 triệu tấn. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa tăng tỷ trọng lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản được nâng lên; áp dụng các quy chuẩn an toàn, đạt chuẩn VietGAP có sự chuyển hướng rõ hơn; liên kết tiêu thụ được các hợp tác xã nông nghiệp quan tâm...
Bên cạnh những mặt đạt được, ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn. Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao như kỳ vọng. Các chính sách hỗ trợ chưa tác động lớn đến việc tích tụ tập trung đất đai, sản xuất với quy mô lớn, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tạo sự cạnh tranh trên thị trường gắn với liên kết tiêu thụ và phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa có vùng tập trung sản xuất lúa hữu cơ; chưa thực hiện cấp mã số vùng trồng lúa...
Với mục tiêu, tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững đến năm 2025, Đồng Tháp đề ra các mục tiêu là đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước; làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.
Để triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Đồng Tháp đến năm 2025 đạt hiệu quả, các đại biểu đề xuất, ngành nông nghiệp tỉnh cần chú trọng việc số hóa công nghệ trong quy trình phát triển ngành hàng lúa gạo; đa dạng hơn các chủng loại giống lúa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển hơn nữa nhiều mô hình lúa hữu cơ, mô hình lúa mùa nổi; chú ý phát triển các sản phẩm OCOP để đưa vào gói quà tặng tỉnh, Quốc gia. Đồng thời rà soát, xây dựng các vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện của từng địa phương; đào tạo, phát triển lực lượng kỹ thuật nông nghiệp để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân...
MN