Tình hình tiêu thụ các loại nông, lâm, thủy sản ổn định
Cập nhật ngày: 21/12/2023 05:51:02
ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình tiêu thụ các loại nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 ổn định. Theo đó, tình hình tiêu thụ lúa vẫn ổn định, giá lúa vẫn đang ở mức cao. Vụ thu đông 2023, diện tích lúa xuống giống gần 122.000ha, đạt 105,1% so với kế hoạch, lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ, trổ chín. Diện tích thu hoạch hơn 93.600ha, đạt 76,77% diện tích xuống giống, năng suất bình quân 60,6 tạ/ha. Vụ đông xuân 2023-2024, xuống giống 56.648ha/189.000ha, tăng gần 41.600ha so với tháng trước, đạt 29,97% so với kế hoạch. Hiện các trà lúa đang giai đoạn mạ, làm đòng. Theo đó, giá thành sản xuất lúa dao động 3.535 - 3.701 đồng/kg (giảm 213 - 559 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022), lợi nhuận dao động 23 triệu - 31 triệu đồng/ha (tăng từ 1,4 triệu - 15,8 triệu đồng/ha so cùng kỳ).
Huyện Thanh Bình giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương tại Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ I năm 2023
Bên cạnh đó, giá bán đa số các mặt hàng hoa màu biến động so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, giá bán giảm từ 1.000 - 16.000 đồng/kg tuỳ từng loại hoa màu, giá thành tăng từ 244 - 2.122 đồng/kg. Theo đó, lợi nhuận giảm từ 4 - 320 triệu đồng/ha. Riêng trồng sen lợi nhuận tăng 4 triệu đồng/ha.
Tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh là gần 43.400ha. So với cùng kỳ năm 2022, giá bán các loại trái cây giảm từ 2.000 - 22.500 đồng/kg tùy từng loại, thành tăng từ 985 - 2.349 đồng/kg. Lợi nhuận giảm từ 48 triệu - 127 triệu đồng/ha tùy từng loại.
Hướng tới sản xuất bền vững, ngành nông nghiệp hướng dẫn ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, có 34 vùng trồng với diện tích 2.945,78ha được cấp mã số vùng trồng. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho 1.151 vùng trồng, diện tích là 99.350ha phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore...
Đến nay, diện tích nuôi thủy sản là 5.621,35ha gồm: cá tra, tôm, cá khác... Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến ngày 17/11 là 590.066,6 tấn. Trong tháng 11, tình hình tiêu thụ cá tra vẫn ổn định so với tháng trước, tuy nhiên giá bán giảm so với tháng trước. Nguyên nhân do nguồn cung thủy sản dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng. Đối với các đối tượng thủy sản khác, thị trường tiêu thụ vẫn thuận lợi, giá bán có biến động tăng, giảm tùy từng loại.
Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 193 hợp tác xã nông nghiệp, 933 tổ hợp tác, 52 trang trại. Toàn tỉnh có 146 hội quán được thành lập với hơn 7.600 thành viên. Dưới mái nhà chung hội quán, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp với nông dân để liên kết sản xuất, tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 109 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, có 18 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Đến nay, có 5 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh có thêm 3 huyện (huyện Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành) đạt chuẩn huyện NTM. Hiện, địa phương đang xây dựng lộ trình thực hiện và hoàn chỉnh hồ sơ theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Năm 2023, toàn tỉnh có 207 sản phẩm dự thi của 110 chủ thể. Hiện có 12/12 huyện tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Đồng thời hoàn chỉnh lại hồ sơ dự thi theo góp ý thành vên Hội đồng huyện để thực hiện công nhận và chuyển hồ sơ sản phẩm tiềm năng 4 - 5 sao về cấp tỉnh đánh giá theo quy định.
Tiếp tục phát huy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tỉnh xây dựng và nhân rộng mô hình mới, cách làm hiệu quả gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Thời gian qua, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa được nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sạ thưa và bón phân vùi vào đất khi trục trạc lần cuối trước khi gieo sạ, áp dụng IPM trong quản lý dịch hại... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng lúa gạo. Diện tích áp dụng vụ đông xuân 2023 - 2024, đạt 32.424ha.
Mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận giúp nông dân tiết kiệm chi phí, sản xuất đạt hiệu quả hơn. Vụ đông xuân 2023-2024, diện tích áp dụng giảm lượng giống đạt gần 31.900ha, diện tích sử dụng giống xác nhận vụ đạt hơn 41.900ha. Mô hình canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện sản xuất an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn. Đồng thời việc ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho người lao động và người tiêu dùng. Đến nay, diện tích áp dụng theo mô hình này là 8.505ha.
Đối với Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ (Tổ chức Seed to Table, Nhật Bản) thành lập được 9 Nhóm sản xuất/24 hộ tham gia, tổng diện tích 5,3ha. Sản phẩm rau của các nhóm sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận PGS Đồng Tháp được các công ty, doanh nghiệp... ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá bao tiêu từ 20 ngàn - 50 ngàn đồng/kg; cao hơn so với sản xuất thông thường từ 2-7 lần...
Y DU