Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Cập nhật ngày: 16/10/2019 05:22:37
ĐTO - Chiều 14/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng chủ trì hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tham luận tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là hội nghị quan trọng để củng cố niềm tin và đổi mới cách làm; qua đó, phát huy tốt hơn và tiếp tục nâng cao vai trò thực chất của kinh tế tập thể (KTTT) trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta.
KTTT, hợp tác xã (HTX) thời gian qua có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất, hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền; đã xuất hiện nhiều mô hình mới. Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 HTX (gần 14.000 HTX nông nghiệp, 9.005 HTX phi nông nghiệp), trong đó khoảng 57% tổng số HTX hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để cùng nhau khắc phục. Theo đó, so với các khu vực kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của KTTT, HTX. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm. Mô hình HTX kiểu mới thành công số lượng chưa lớn, quy mô HTX còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, người dân còn chưa mặn mà, một bộ phận chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình HTX kiểu mới.
Phát biểu chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan tiếp tục nhấn mạnh: “Kinh tế hợp tác, HTX là cứu cánh để tái cơ cấu nông nghiệp”; đồng thời cho biết, tỉnh Đồng Tháp đang chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức về HTX cho cán bộ từ cấp tỉnh đến người nông dân và đưa nội dung HTX vào các chương trình đào tạo của Trường Chính trị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, để có sự hợp tác trong sản xuất thì người dân phải hợp tác với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Vì lẽ đó, Đồng Tháp xây dựng mô hình Hội quán, trên cơ sở hoàn toàn “tự nguyện, tự chủ, tự quản” của người dân, nơi để người nông dân liên kết, chia sẻ với nhau. Đến nay, toàn tỉnh có 84 Hội quán và trên nền tảng đó đã có 17 HTX được thành lập. Các HTX của tỉnh đang từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Ông tin tưởng rằng, sự thành công của các mô hình này sẽ dẫn dắt cho kinh tế hợp tác của tỉnh Đồng Tháp phát triển bền vững trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kinh tế nhà nước cùng với KTTT trở thành nền kinh tế vững chắc của nền kinh tế quốc gia. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KTTT thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức HTX và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước. Đặc biệt đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động HTX mà Bác Hồ đã chỉ dạy.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới; rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính - tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho KTTT, HTX, tổ hợp tác phát triển.
Phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” phải tiếp tục được quan tâm cụ thể hơn đối với HTX để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.
Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về xã hội và lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn. Dẫn dắt sự phát triển phong trào HTX thông qua 4 từ nói gọn là “Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá”. Nghĩa là tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho HTX hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các xã viên. Nhân rộng những mô hình HTX hiệu quả...
Dịp này, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) và HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh) nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mỹ Nhân