TP Cao Lãnh phát triển nông nghiệp đô thị
Cập nhật ngày: 27/08/2023 06:05:26
ĐTO - Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn TP Cao Lãnh đã tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị đảm bảo theo quy hoạch, đúng lộ trình. Qua 2 năm thực hiện, nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp đô thị được nâng lên. Nhiều mô hình hay về nông nghiệp đô thị được triển khai, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy hoạch, tham gia sản xuất hữu cơ, an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Mô hình sản xuất rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ở Ấp 1, xã Mỹ Trà
TRIỂN KHAI CÁC MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM
Trong phát triển nông nghiệp đô thị, UBND TP Cao Lãnh xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp theo định hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả; tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ; gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, địa phương phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, sản xuất hữu cơ gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh mối liên kết giữa vùng sản xuất - kho bảo quản sau thu hoạch - thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để ứng phó với tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố có xu hướng giảm dần vào năm 2025 từ hơn 5.727ha còn hơn 4.370ha, đến năm 2030 còn hơn 3.119ha. Trong đó, đến năm 2025, diện tích đất được tập trung sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã: Mỹ Ngãi, Mỹ Tân, Mỹ Trà; đến năm 2030, không còn sản xuất lúa, diện tích này sẽ chuyển sang sản xuất rau, hoa, cây ăn trái với ứng dụng công nghệ cao. Để có bước chuẩn bị triển khai phát triển nông nghiệp đô thị có trọng tâm, trọng điểm, UBND thành phố đã phê duyệt quyết định về phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, tập trung vào 24 phân khu sản xuất.
Ông Nguyễn Phước Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết, năm 2023, UBND thành phố đã phê duyệt các danh mục mô hình thí điểm và đầu tư ngân sách khoảng 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương thực hiện các mô hình. Các địa phương đã xây dựng các mô hình trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất xoài theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất (xã Tịnh Thới), sản xuất xoài theo hướng hữu cơ gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm (xã Tân Thuận Tây), xây dựng và chuyển giao mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa kiểng theo hướng nông nghiệp đô thị (xã Mỹ Tân), sản xuất rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm gắn truy xuất nguồn gốc (xã Mỹ Trà).
Mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây với 24 thành viên tham gia do ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất. Khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc phục vụ sản xuất. Ông Những cho biết, ông canh tác 1,5ha xoài theo hướng hữu cơ bằng cách dùng củ gừng, ớt ủ chung để phun xịt trừ sâu bệnh cho trái xoài. “Trái xoài sản xuất theo hướng hữu cơ, khi xuất bán trên thị trường có truy xuất nguồn gốc và bán được giá cao. Nông dân tham gia vào tổ hợp tác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài theo hướng hữu cơ, tuyên truyền bài thuốc phun xịt cây xoài để giảm chi phí sản xuất; đồng thời phối hợp với Hợp tác xã Tân Thuận Tây liên kết bao tiêu trái xoài, ổn định đầu ra” - ông Những chia sẻ.
Ông Đặng Văn Những ngụ ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây tham gia mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ có quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Ông Nguyễn Phước Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, chia sẻ: “Phát triển nông nghiệp đô thị của TP Cao Lãnh là hướng đến chuyển đổi sản xuất, nhất là quy hoạch vùng trồng tập trung, chuyên canh cây ăn trái ở xã cù lao Tân Thuận Đông, xã Tân Thuận Tây và vùng trồng xoài trọng điểm ở xã Tịnh Thới, đồng thời tạo cảnh quan phát triển đô thị, kết hợp với phát triển du lịch nông nghiệp”.
Trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu phát triển đô thị, TP Cao Lãnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Tháp chọn xã Tịnh Thới để đầu tư dự án phục vụ sản xuất xoài với quy mô 350ha. Vùng trồng xoài trọng điểm này được đầu tư hệ thống hạ tầng, giao thông kết nối và hệ thống đê bao. Bên cạnh đó, TP Cao Lãnh huy động các nguồn lực cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp đô thị; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hệ thống thiết bị sơ chế, kho bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Xoài là cây trồng chủ lực của TP Cao Lãnh được sản xuất tập trung, thành vùng hàng hóa
Cụ thể, năm 2020 - 2021, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, tỉnh phân bổ đã hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ lúa giống Mỹ Trà với kinh phí 240 triệu đồng để nạo vét thủy lợi nội đồng; HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới được hỗ trợ 1,6 tỷ đồng sử dụng đầu tư văn phòng làm việc, nhà kho, thiết bị sơ chế xoài; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Tân được hỗ trợ 720 triệu đồng đầu tư trạm biến áp 3 pha để phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2020 - 2022, từ nguồn vốn thủy lợi phí và hỗ trợ phát triển đất trồng lúa, thành phố đã đầu tư nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng, nâng cấp, cải tạo và làm mới các cống thủy lợi ở các xã với tổng kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến nông tỉnh và thành phố, đã triển khai thực hiện 6 mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, diện tích là 67,6ha với nguồn kinh phí hỗ trợ trên 976 triệu đồng.
Trong thời gian tới, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị, TP Cao Lãnh tiếp tục hỗ trợ nông dân canh tác theo quy trình sản xuất hiện đại; trong đó sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, hướng đến sản xuất hữu cơ để góp phần nâng giá trị nông sản. Các cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn định hướng nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Nông dân TP Cao Lãnh chuyển đổi tư duy sản xuất xoài theo hướng hữu cơ để nâng giá trị trái xoài
Ông Nguyễn Phước Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết: “Phát triển nông nghiệp đô thị là tập trung vào sản xuất chất lượng, chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, theo hướng hữu cơ. Bên cạnh quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, nhất là cây xoài, địa phương sẽ chuyển sang trồng rau ngắn ngày, góp phần gia tăng kinh tế cho người dân. Xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; vận động các nhà vườn ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại”.
Theo Thành ủy Cao Lãnh, một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị là tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, địa phương rà soát xây dựng các vùng sản xuất tập trung như xoài, rau hữu cơ, hoa kiểng để cung cấp trên thị trường; phát triển loại hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
|
DƯƠNG ÚT