Từ Hội quán đầu tiên đến lan tỏa mô hình làm ăn liên kết

Cập nhật ngày: 18/11/2023 10:31:31

ĐTO - Xã An Nhơn, huyện Châu Thành không chỉ được nhắc đến là vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh mà nơi đây còn là cái nôi của mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp. Canh Tân Hội quán ra đời đầu tiên góp phần lan tỏa phong trào làm ăn liên kết, tạo tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế tập thể tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) thăm, nói chuyện với bà con trồng nhãn huyện Châu Thành (Ảnh: Văn Khương)

CHUYỆN HỘI QUÁN ĐẦU TIÊN

Đến huyện Châu Thành, chúng tôi lên chuyến phà sang cồn An Nhơn. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là vùng có diện tích nhãn lớn nhất huyện mà còn là cái nôi của mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp. Canh Tân Hội quán ra đời được xem là đòn bẩy kích hoạt sự thay đổi, tạo tiền đề quan trọng góp phần phát triển kinh tế tập thể trong tỉnh.

Như thường lệ, vào ngày 20 hàng tháng, ông Nguyễn Nhất Linh ở ấp Tân An, xã An Nhơn cùng với các thành viên đến điểm họp theo thông lệ hàng tháng của Hội quán. Theo ông Nguyễn Nhất Linh, Canh Tân Hội quán ra đời như một cơ duyên. Thời điểm đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thường kết nối các nhà khoa học để chia sẻ, nói chuyện với bà con nông dân, đặc biệt là những nơi cách trở như miệt cồn An Hòa.

Bà con hay tin có Bí thư Tỉnh ủy đến thăm vui lắm, rủ nhau đến hỏi han, hàn huyên xoay quanh chuyện nhà nông, chuyện ấp, chuyện xã. Trong những lần thăm hỏi sau bà con lại đến đông hơn lần trước. Từ ý tưởng của Bí thư Tỉnh ủy mong muốn có chỗ để bà con cùng nhau sinh hoạt bàn thảo chuyện làm ăn, xây dựng quê hương gắn kết tình làng nghĩa xóm, năm 2016, bà con cùng chung chí hướng kết hợp lại với nhau thành lập “mái nhà chung” Canh Tân Hội quán.

Ông Linh cho biết, nhờ những buổi sinh hoạt Hội quán, được gặp những nhà khoa học, giúp bà con có thêm nhiều kiến thức về việc làm ăn liên kết, hiểu về thị trường. Từ đó, dần thay đổi tư duy cùng nhau gắn kết làm ăn, cùng tiến lên xây dựng hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn để cùng bán sản phẩm, tạo niềm vui chung cho toàn xã...


Bà con Canh Tân Hội quán họp lệ kỳ tháng 11/2023 để bàn chuyện tham gia Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng

LAN TỎA MÔ HÌNH LÀM ĂN LIÊN KẾT

Ông Võ Đình Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Liên kết sản xuất để cùng tạo ra một sản phẩm hàng hóa lớn của Canh Tân Hội được xem là một điển hình. Thông qua việc tham gia Hội quán, hiểu được giá trị của việc làm ăn liên kết, sản xuất sạch nên hiện nay nông dân trồng nhãn nói riêng, cây ăn trái trên địa bàn huyện nói chung đều xem liên kết là mấu chốt của việc nâng cao giá trị nông sản. Từ hiệu quả thực tế, ngày càng đông thành viên tham gia vào Hội quán, HTX để cùng sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Từ Canh Tân Hội quán, đến nay, Châu Thành hình thành và phát triển được 15 Hội quán (5 HTX đi lên từ Hội quán), với nhiều ngành nghề khác nhau. Mỗi Hội quán đều phát huy những giá trị riêng với mục tiêu cuối cùng là hợp tác, liên kết, nâng cao giá trị nông sản.

Đi lên từ An Nông Hội quán, hiện nay, HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận (xã An Phú Thuận) không chỉ hướng bà con sản xuất theo hướng an toàn, rải vụ mà còn nâng cao giá trị sản phẩm bằng việc đầu tư lò sấy nhãn. Hiện sản phẩm của HTX cơ bản được thị trường chấp nhận. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng để HTX phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ nhiệm An Nông Hội quán, kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận cho biết, trước đây, nông dân thiếu thông tin nên ngồi lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại, Hội quán phải cùng chung tay, trau dồi kiến thức để tạo ra sản phẩm thị trường cần. “Đây là con đường tất yếu mà Hội quán, HTX đều phải trải qua, nếu nông dân không thay đổi “tự tạo con đường lớn để không phải chen chân” thì quanh năm vẫn đi “cầu khỉ” chật hẹp”, ông Ba ví von.

Có thể nói, câu chuyện Canh Tân Hội quán là điểm tựa kích hoạt tinh thần làm ăn liên kết của nông dân Châu Thành. Việc liên kết, tạo ra sản phẩm sạch được bà con huyện Châu Thành phát huy rất hiệu quả. Tinh thần đó được thể hiện rõ nét qua việc khẳng định chất lượng nông sản, chuỗi sản xuất được hình thành. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Châu Thành tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương...


Sản phẩm nhãn của Canh Tân Hội quán sản xuất theo hướng an toàn

145 HỘI QUÁN - MỖI NƠI MANG MỘT GIÁ TRỊ RIÊNG

Theo ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, việc Hội quán tiến tới HTX được xem là hướng đi đúng đắn hiện nay. Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp không thể ký kết với từng hộ dân mà phải thông qua đầu mối là HTX, Hội quán. “Đặc biệt thị trường không thể tiêu thụ hết cùng lúc quá nhiều nông sản. Như vậy, thời gian qua, Hội quán, HTX làm rất tốt vai trò điều hành thành viên sản xuất đủ, đúng nhu cầu thị trường, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá”, ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành nhấn mạnh vai trò của Hội quán, HTX.

Câu chuyện Canh Tân Hội quán đã tạo đòn bẩy, kích hoạt sự thay đổi, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế tập thể lan tỏa ra nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau hơn 7 năm Canh Tân Hội quán ra đời, toàn tỉnh Đồng Tháp có 145 Hội quán, với gần 7.600 hội viên. Điều đáng quý, toàn tỉnh có 176 HTX nông nghiệp thì có 38 HTX được thành lập từ Hội quán.

Ông Lê Quang Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, Hội quán là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, những buổi sinh hoạt ở Hội quán đã giúp người nông dân được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh; thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết. Qua đó, góp phần hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Có thể nói, với 145 Hội quán được thành lập, dù mỗi nơi có cách tổ chức, tạo ra những giá trị khác nhau nhưng thực tế cho thấy hoạt động của các Hội quán - một mô hình liên kết tự nguyện, không biên chế, không ngân sách đã bắt đầu có hiệu quả, đặc biệt là giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn