Ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập
Cập nhật ngày: 01/11/2016 06:38:14
ĐTO - Tại diễn đàn Mekong Connect - CEO FORUM 2016 với chủ đề “Tìm cơ trong nguy - đối mặt với biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập” (vừa được tổ chức tại TP.Cần Thơ), nhiều chuyên gia đã chia sẻ ý kiến về vấn đề này. Phóng viên Báo Đồng Tháp lược ghi một số ý kiến nêu trên..
Cần tìm ra nhiều giải pháp trong nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu
Nói về giải pháp cho phát triển nông nghiệp, bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cho rằng: Phương châm tổng thể của báo cáo đến năm 2035 là hiện đại hóa và thương mại hóa nông nghiệp và phương châm cụ thể là nông nghiệp phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, có năng suất cao hơn để gặt hái được thành công nhiều hơn, có giá trị gia tăng cao. Phải chuyển sang thực hành sản xuất nông nghiệp tri thức, có hiệu quả kinh tế theo quy mô và theo chuỗi giá trị, cách thức sản xuất nông nghiệp phải thay đổi rất lớn. Phải đổi mới mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong quy định cũng như trên thực tế theo phương châm “Tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo”. Chúng ta phải thay đổi trên thực tế, bởi vì nước mình có rất nhiều văn bản đưa ra, nhưng trên thực tế không đi vào cuộc sống được, không tạo được sự thay đổi cần thiết.
“Muốn đổi mới nông nghiệp cần phải cải cách sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế, bởi trong nội bộ ngành không đủ giải quyết được vấn đề, đặc biệt vấn đề đất đai.Vai trò và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng rất cần Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào cũng như giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất. Các chính sách, thể chế về lĩnh vực khoa học công nghệ, đào tạo, hạ tầng, thì phải làm rõ hơn muốn làm gì và phải làm gì để phục vụ cho nông nghiệp? Vấn đề phân cấp và phối hợp của chính quyền các cấp cũng cần thay đổi. Ở chúng ta có căn bệnh bộ máy chính quyền đông, rộng lớn, nhưng thiếu phối hợp giữa các cơ quan với nhau và ngay sự phân cấp nhiều khi cũng bất cập, không hợp lý” - bà Phạm Chi Lan nói thêm.
Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng: “Chủ đề “Tìm cơ trong nguy – Đối mặt với biến đổi khí hậu, vấn nạn môi trường và thách thức hội nhập” của Mekong Connect năm nay thể hiện cách tiếp cận linh hoạt, khách quan. Ông bà ta có câu “trong họa có phúc” thì “cơ” và “nguy” cũng thế, chúng ta luôn tìm ra những hướng đi mới. “Phúc” được nêu ra ở đây có 3 chuyện: đó là tâm thế sẵn sàng thay đổi của người dân; thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nói chung và được sự đồng thuận của nhân dân, chính quyền; thay đổi môi trường thu hút đầu tư, sản xuất tư nhân. Biến đổi khí hậu đã đến và sẽ ngày một ảnh hưởng, còn hội nhập là vấn đề đang thách thức, nhưng có một sự thách thức khác là tâm thế của chúng ta có chủ động đón nhận để giải quyết nó không”.
Trong khi đó, TS Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: “Biến đổi khí hậu như vừa qua đã làm cho thế giới chú ý nhiều hơn đến ĐBSCL. Cụ thể ở đây là các chuyên gia, doanh nghiệp, những công nghệ mới được đưa đến áp dụng... khiến chúng ta tiếp cận thêm được nhiều cơ hội mới từ thế giới. Khi đối mặt với biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ chuyển hóa sang những mặt tích cực. Quan trọng hơn, biến đổi khí hậu sẽ giúp chúng ta thay đổi chính sách về liên kết vùng ở các địa phương, làm chúng ta xích lại gần nhau hơn. Từ sự liên kết này, ta có thể chia sẻ về nguồn nước, thoát lũ, giữ lũ, tìm ra những hướng đi riêng để phát triển. Tôi tin rằng thời gian tới đây, chắc chắn sẽ có nhiều người, nhiều mô hình kinh doanh theo nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSCL. Như thế cơ hội cho những người trẻ có thể hợp tác làm ăn khi địa phương liên kết với nhau nhiều”.
Nói đến sự liên kết của các địa phương trong biến đổi khí hậu, ông Phan Văn Mãi chia sẻ thêm, sự chủ động của từng địa phương trong mạng lưới ABCD Mekong là bước đi ngắn trong một hành trình dài sau này.
Bàn về vấn đề nguy cơ, rủi ro trong hội nhập, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) nêu quan điểm: “Việc kinh doanh thành công hay không may mắn là do các doanh nghiệp phải quản trị để tránh những rủi ro có thể xảy ra. Ở khu vực ĐBSCL có đến 60 – 70% doanh nghiệp không quan tâm đến hội nhập, biến đổi khí hậu. Đây là những con số tác động rất nhiều đến sự phát triển của khu vực ĐBSCL...”.
Nói về cơ hội của Đồng Tháp trong tiến trình hội nhập, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết: “Tiềm năng của tỉnh Đồng Tháp là cơ hội của các doanh nghiệp đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành và hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bền vững. Qua việc hình thành Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp (LBCD) sẽ mở ra cơ hội cho sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với vùng ĐBSCL và cả nước”.
KHÁNH PHAN