Nhiều thị trường “mở cửa” cho trái cây an toàn
Cập nhật ngày: 29/10/2016 06:32:04
ĐTO - Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp còn phối hợp với Hội Làm vườn làm tốt công tác xúc tiến thương mại liên kết tiêu thụ cho nông sản của địa phương. Qua đó, trái cây của tỉnh nhà từng bước chinh phục nhiều thị trường cao cấp và khó tính của thế giới.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến mà thời gian qua nhiều nông sản đã có được thị trường tiêu thụ ổn định
Ông Phạm Hữu Hiện - thành viên Hợp tác xã (HTX) nhãn Châu Thành thông tin, hiện trung bình mỗi tuần HTX xuất bán khoảng 100 tấn nhãn, nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đối với nhãn hiện rất cao. Nhờ xuất khẩu mạnh nên giá nhãn thời gian gần đây luôn giữ mức ổn định, trung bình trên 30 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, kinh tế của nông dân trồng nhãn rất ổn định. Hiện tại, thị trường xuất khẩu nhãn chủ yếu của huyện Châu Thành là Mỹ, ngoài ra một số thị trường mới như: Canada, Nhật Bản cũng có nhu cầu khá lớn. Vấn đề khó khăn hiện nay của nông dân cũng như HTX là thiếu công nghệ sơ chế và bảo quản sau thu hoạch. Ở từng thị trường nhập khẩu khác nhau yêu cầu về công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng khác nhau. Do đó, vấn đề cốt lõi hiện nay là tìm được doanh nghiệp có tiềm lực về đầu tư công nghệ thực hiện liên kết với HTX trong việc xuất khẩu nhãn.
Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết: “Hiện nay, có rất nhiều thị trường xuất khẩu rộng mở với sản phẩm xoài của huyện Cao Lãnh. Nhưng những hạn chế về kỹ thuật sản xuất của nông dân dẫn đến tình trạng sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, từ đó gây nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Do đó, để nâng cao giá trị cho trái xoài, việc sản xuất chưa dừng lại ở tiêu chuẩn sản xuất an toàn mà nông dân cần phải có những hiểu biết nhiều hơn đối với yêu cầu ở từng thị trường nhập khẩu, để từ đó có những điều tiết sản xuất phù hợp.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, trái cây an toàn đang được trả đúng lại giá trị mà nó xứng đáng có được. Hiện nay, người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước đã quan tâm nhiều hơn đối với các loại nông sản an toàn. Thời gian gần đây, bên cạnh các doanh nghiệp xuất khẩu thì các doanh nghiệp tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng đến các tổ hợp tác, HTX đặt vấn đề liên kết tiêu thụ trái cây cho nông dân.
Ông Tống Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Lai Vung chia sẻ, nhờ Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Làm vườn Đồng Tháp quan tâm nên thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện thường xuyên. Từ các hoạt động này mà các tổ hợp tác, HTX có nhiều cơ hội kết nối với doanh nghiệp, cơ sở tiêu thụ nông sản nhiều hơn. Nhà vườn có nhiều lựa chọn trong kênh phân phối và tiêu thụ, hạn chế được tình trạng phụ thuộc vào thương lái.
Theo Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, liên kết sản xuất, sản xuất trái cây theo hướng an toàn là 2 vấn đền mấu chốt mà nông dân cần phải làm ngay trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường hội nhập, nông dân cần phải làm nhiều hơn nữa. Khi sản phẩm đã đạt chuẩn về chất lượng thì cần quan tâm đến vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để sản phẩm được giữ lâu hơn, từ đó giá trị tăng thêm cho người nông dân sẽ nhiều hơn. Cuối cùng là người dân cần được sự giúp sức của Nhà nước, các Bộ, ngành cần giúp người dân tìm hiểu và định hướng thị trường, tránh tình trạng luôn phải bán cái mình có chứ không sản xuất cái thị trường cần”.
Mỹ Lý