Xây dựng chiến lược dài hơi để ngành hàng cá tra phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 03/09/2023 08:32:44

ĐTO - Dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, 6 tháng đầu năm 2023, ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực khiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này giảm mạnh. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, cần xây dựng những chiến lược dài hơi...


Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất để vượt qua khó khăn

Doanh nghiệp cá tra “thắt lưng buộc bụng” vượt qua khó khăn

Sở hữu lợi thế về sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp hiện có 27 doanh nghiệp với 28 dự án chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ chuỗi sản xuất, chế biến cá tra. Trong đó, doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất tạo ra nhiều dòng sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao như: collagen, dầu cá, bột cá, mỡ cá... Hiện toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, với công suất thiết kế khoảng 350.000 tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 80.000 tấn bột cá, mỡ cá; khoảng 1.800 tấn collagen và 17.700 tấn dầu cá...

Ngành hàng cá tra giữ vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu cá tra truyền thống của doanh nghiệp bắt đầu thắt chặt chi tiêu, số lượng đơn đặt hàng liên tục giảm mạnh. Theo bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của tỉnh là 112.300 tấn, thu về 297 triệu USD, giảm 27,6% về lượng và 39,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính vào thời điểm trước dịch Covid - 19, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của tỉnh xuất khẩu sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm những thị trường khó tính. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra tỉnh nhà chỉ còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.  Đồng thời kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều bị sụt giảm. Đơn cử như thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 26% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2022); thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 25,4% (giảm 44%); thị trường EU chiếm tỷ trọng 11% (giảm 14%).    


Sản phẩm Snack da cá tra của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Theo ông Huỳnh Đức Trung - Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải đối mặt với tình trạng thị trường tiêu thụ giảm, đơn giá sản phẩm xuất khẩu liên tục giảm ở các thị trường lớn. Trong khi đó, các loại chi phí đầu vào như: chi phí nuôi trồng, chi phí chế biến, lưu kho, logistic, chi phí tín dụng ... đang tăng mạnh. Đây là những áp lực lớn mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt. Để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, thời gian qua, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn áp dụng nhiều giải pháp, thắt chặt kiểm soát khâu chi phí. “Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp giảm hầu hết các khâu về chi phí marketing, truyền thông... Trong quý 3 và quý 4 sắp tới, các thị trường xuất khẩu sẽ bước vào các lễ hội lớn, nhu cầu tiêu dùng tăng, hi vọng sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra...”, ông Trung kỳ vọng.

Để chuỗi ngành hàng tỉ đô phát triển bền vững

Trước những khó khăn hiện tại của ngành hàng cá tra, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, cần giải quyết được những mặt tồn tại. Trong đó, việc kiểm soát khâu nuôi trồng, chất lượng con giống, hạ giá thành chi phí thức ăn cho cá tra... là những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Chia sẻ thêm về vấn đề kiểm soát chất lượng con giống, ông Huỳnh Đức Trung - Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết: “Hiện nay, nguồn cung cấp cá tra giống chủ yếu phụ thuộc vào các hộ nuôi. Tuy nhiên, do chăn nuôi theo quy mô hộ cá thể nhỏ, lẻ nên rất khó khăn trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, muốn xây dựng được hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến sản xuất và chế biến cần quy hoạch lại vùng sản xuất con giống”.


Nuôi cá tra ở huyện Tân Hồng

Cùng quan điểm trên, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho rằng, giải pháp kiểm soát lại khâu nuôi trồng, hạ giá thành sản xuất cá tra là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay, giá thức ăn liên tục tăng kéo theo giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cũng tăng vọt. Hiện nay, để sản xuất được 1kg cá tra nguyên liệu, người chăn nuôi phải tốn khoảng 1,2 USD, trong khi đó, giá thành các loại cá đang cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam như cá minh thái Alaska chỉ khoảng 1 USD/kg. Do đó, để cá tra Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh hơn cần có giải pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn cho cá tra...”.

Để tìm những cơ hội mới, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần tiếp cận thêm nhiều thị trường. Đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA. Ngoài ra, việc tiếp cận và khai thác thị trường gần 98 triệu dân ở nội địa cũng là giải pháp mà các doanh nghiệp cần lưu tâm.

Phát triển ngành hàng cá tra bền vững là trách nhiệm chung của tất cả các nhân tố trong chuỗi ngành hàng. Hơn bao giờ hết, tại thời điểm này, các doanh nghiệp cần sự “hà hơi tiếp sức” từ Nhà nước và các Hiệp hội ngành hàng trong xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng hình ảnh thương hiệu cá tra Việt Nam ở thị trường xuất khẩu và cả thị trường nội địa...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn